Phát triển công nghiệp là động lực của nền kinh tế

Tỉnh Hòa Bình nằm trong quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, là cửa ngõ kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc; với xu hướng phát triển là thành phố vệ tinh, thành phố thông minh của Vùng Thủ đô, giúp tỉnh mở ra cơ hội lớn để phát triển, trong đó lĩnh vực công nghiệp có nhiều lợi thế. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phải trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống, hướng mạnh cho xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao...

Những năm qua, Công ty CP Sơn Thủy, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) phát triển mạnh sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Những năm qua, Công ty CP Sơn Thủy, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) phát triển mạnh sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp có sự chuyển động mạnh. Tỉnh đã tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, hỗ trợ, công nghiệp vật liệu xây dựng; khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu trên địa bàn. Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với đảm bảo QP-AN, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong 2 năm 2020, 2021, ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch Covid-19. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (SXCN), kịp thời giải quyết, hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất CN-TTCN; xây dựng phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến kinh tế địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khuyến công để hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, SXCN của tỉnh vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh có 450 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, trong đó có 133 dự án trong K,CCN; 77 dự án khai thác chế biến khoáng sản; 155 dự án SXCN ngoài K,CCN... Trong các dự án về công nghiệp, có 285 dự án đầu tư SXCN chế biến, chế tạo. Hiện, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn, với trên 68% giá trị sản xuất và chiếm gần 40% giá trị tăng thêm của toàn ngành. Như vậy, cơ cấu sản xuất nội bộ ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, gắn phát triển CN-TTCN với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực SXCN; trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết phục vụ sản xuất, nhất là một số ngành như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường nhất định. Đặc biệt, tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến kinh phí để thực hiện đề án gần 52.975,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh 610.114 triệu đồng, gồm kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các K,CCN, kinh phí khuyến công địa phương; nguồn vốn của các DN gần 52.364,5 tỷ đồng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự năng động, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã giúp ngành công nghiệp vượt khó, đạt được kết quả tích cực. Theo đó, năm 2021, giá trị SXCN ước đạt 41.260 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. 3 tháng đầu năm 2022, giá trị SXCN toàn tỉnh ước đạt 10.377 tỷ đồng. Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước như bia, đồ uống các loại tăng khoảng 20%, sản phẩm điện tử tăng khoảng 7,63%...

Để ngành công nghiệp phát triển xứng tầm, đóng vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế khác, giai đoạn 2021-2025, định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhất quán chủ trương chỉ xem xét chấp thuận các dự án đầu tư công nghiệp vào các K,CCN theo quy hoạch. Ngoài các K,CCN chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh, các dự án đầu tư tại địa bàn điều kiện khó khăn, dự án có tính chất đặc thù không thể sản xuất trong các K,CCN.

Ưu tiên thu hút dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, như: Các dự án sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện, điện tử; dự án cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị và gia công kim loại; những dự án có hàm lượng chất xám cao, tạo giá trị gia tăng lớn và không tiêu tốn tài nguyên, năng lượng cũng như không gây nhiễm môi trường, dự án chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đặc biệt là phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội và xuất khẩu với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gỗ có công nghệ tiên tiến, công suất phù hợp với từng vùng nguyên liệu rừng trồng...

Với định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tỉnh kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 80%.

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/165462/phat-trien-cong-nghiep-la-dong-luc-cua-nen-kinh-te.htm