Phát triển công nghiệp và dịch vụ là nền tảng xây dựng nông thôn mới
Một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nâng cao tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, các huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng, từ đó tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề, dịch vụ theo thế mạnh của từng địa phương.
Phát triển công nghiệp ở nông thôn
So với các địa phương trong tỉnh, tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở Nho Quan được đánh giá là không lớn do những hạn chế về tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông, lao động… Tuy vậy, trong những năm gần đây, lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành quy hoạch chung đô thị Nho Quan, huyện đã tích cực triển khai hoàn thiện các đồ án Quy hoạch Cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã quy hoạch được 4 Cụm công nghiệp tại các xã: Xích Thổ, Phú Sơn, Văn Phong và Văn Phương, Sơn Lai; bổ sung quy hoạch khu vực phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại đồi Mả Quan, xã Gia Sơn với diện tích khoảng 10 ha.
Ngoài ra, huyện cũng đã bổ sung một số vị trí đất nông nghiệp kém hiệu quả sang thực hiện các dự án công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Dự án may xuất khẩu tại các xã Gia Sơn, Gia Lâm, Thị trấn Nho Quan; Dự án sản xuất đồ chơi trẻ em tại xã Đồng Phong; Dự án sản xuất viên gỗ nén tại xã Sơn Hà; Dự án kho xăng dầu Đồng Phong... Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn tại Cụm công nghiệp Phú Sơn.
Việc thu hút các dự án đầu tư vào các Cụm công nghiệp đã thực hiện bước đầu có hiệu quả, đặc biệt là Cụm công nghiệp Văn Phong đã cơ bản được lấp đầy các dự án đã và đang đi vào đầu tư sản xuất có hiệu quả như Công ty giày Regis, thu hút, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động trên địa bàn huyện.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp, việc thu hút đầu tư ngoài cụm công nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực như: dự án Kho xăng dầu của công ty Dương Đông Sài Gòn, Nhà máy may của công ty may xuất khẩu tại các xã Gia Sơn, Văn Phú, thị trấn Nho Quan; Nhà máy nhiệt phân lốp cao su của Công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long CFG tại xã Xích Thổ đã thu hút được hàng nghìn lao động, thu ngân sách đạt hàng chục tỷ đồng.
Với những nỗ lực trong thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, cơ cấu kinh tế của huyện Nho Quan đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 24,4%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm 75,5% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/năm.
Đến nay, huyện đã có 21/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch năm 2022, huyện về đích nông thôn mới. Đồng thời, mục tiêu trong giai đoạn 2025-2030, Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm khu vực nông thôn.
Xác định phát triển công nghiệp ở nông thôn là đòn bẩy cần thiết và quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và là động lực để xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình đã tập trung quy hoạch các Khu, Cụm công nghiệp đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 14/25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 821,58 ha, thu hút 230 dự án đầu tư, trong đó có 91 dự án của doanh nghiệp và 128 dự án do các hộ sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân 70,8%; Đối với các KCN đã có 5/7 KCN đã xây dựng và đi vào hoạt động thu hút được 119 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 96,6%.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã duy trì bảo tồn và phát huy hiệu quả của hệ thống các làng nghề truyền thống như cói, thêu ren, chế tác đá, đồ gỗ, đồ gốm sứ, mây tre đan... đã làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn từ thuần nông sang làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Đến 12/2020 toàn tỉnh có 75 làng nghề, 26.433 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, trong đó: 26.195 cơ sở quy mô hộ gia đình, 82 tổ hợp tác, hợp tác xã, 89 doanh nghiệp tư nhân, 53 công ty TNHH và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngành nghề nông thôn thu hút 79.273 lao động tham gia tạo ra tổng giá trị sản xuất 11.890 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân từ hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Tận dụng lợi thế từ du lịch
Hoa Lư được xem là "vùng lõi" của du lịch Ninh Bình, chính vì vậy huyện đã sớm triển khai công tác lập quy hoạch phát triển du lịch, trên cơ sở đó tập trung thu hút nguồn vốn và các nhà đầu tư chiến lược với nhiều dự án mang tính đột phá nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Dịch vụ homestay đang hoạt động khá hiệu quả trên địa bàn huyện Hoa Lư. Ảnh: PV
Trên cơ sở quy hoạch, huyện đã thu hút được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách vào hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày một hoàn thiện, hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước được tổ chức, quản lý khoa học theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, các nguồn vốn xã hội hóa đã giúp huyện từng bước thực hiện các quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông, lắp đặt các biển báo, chỉ dẫn trong vùng Di sản vào các Khu, điểm du lịch. Hỗ trợ, hoàn thành lắp dựng biển chỉ dẫn biển báo giao thông cho các xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Trường Yên.
Tính hết năm 2020, toàn huyện có 251 cơ sở lưu trú với 2.530 phòng nghỉ. Huyện đã xây dựng, phát triển được nguồn nhân lực du lịch tại chỗ với số lượng trên 3.000 người vừa chèo đò, bán hàng, vừa trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hoa Lư đang tập trung huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo định hướng du lịch bền vững, hài hòa gắn với bảo tồn và phát triển. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nhằm giới thiệu. quảng bá sản phẩm nông nghiệp trực tiếp đến với du khách.
Có thể thấy, các ngành nghề dịch vụ du lịch ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng (giai đoạn 2009-2019) về khách du lịch đạt 13, 11%/năm, doanh thu du lịch đạt 30,78%/năm.
Năm 2019, Ninh Bình đón 7, 65 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.671 tỷ đồng. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch toàn thế giới. Tại Ninh Bình, lượng khách và doanh thu du lịch giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung phát triển du lịch đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nâng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GRDP toàn tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình.