Phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách phải chuyên sâu, đầu tư trọng điểm

Việc đầu tư hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa không chỉ dừng lại ở đầu tư cơ sở vật chất, mà còn ở khía cạnh ý tưởng, quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 16/12.

Theo Thạc sĩ Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những vướng mắc trong phát triển văn hóa là thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong luật hiện nay không có quy định riêng về thuế thu nhập đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, khi ngành chức năng đưa ra đề xuất thì cũng không được đón nhận. Trong khi trên thế giới, hầu hết đều có quy định này.

Ông Đỗ Quang Minh cho biết, nếu muốn thu hút sự tham gia của khu vực tư vào văn hóa, bắt buộc phải có cách tính thuế đặc thù cho doanh nghiệp. Hiện nay Bộ đang đề xuất các khoản tài trợ văn hóa cần được tính chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý. "Phải có các ưu đãi khác kèm theo để tạo thành gói thu hút nhà đầu tư. Nếu chỉ đơn thuần kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư một nhà hát thì khó mà thu hút được", ông Minh nói.

Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, nên chăng cần có cơ quan chuyên môn riêng biệt để hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo. Bởi, không có cơ quan chuyên ngành thì còn có tình trạng điều hướng chéo, không hỗ trợ nhau.

Ví dụ về phát triển công nghiệp văn hóa Hàn Quốc ra thế giới, ông Thăng Long cho biết, Hàn Quốc đã lập ra một cơ quan là KOCCA với mục tiêu xúc tiến và phát triển công nghiệp Nội dung Sáng tạo.

Cơ quan này đem văn hóa giá trị sáng tạo của Hàn Quốc đến các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng cấp cho đơn vị này hằng năm chi phí để phát triển ngành công nghiệp nội dung và cung cấp gói hỗ trợ vừa và nhỏ cho doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực văn hóa.

Hội thảo khoa học hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa

Hội thảo khoa học hợp tác công – tư trong phát triển văn hóa

Hàn Quốc cũng tạo mạng lưới cộng đồng trong ngành phát triển văn hóa, họ tổ chức hội thảo đối thoại giữa các bên liên quan, cùng thảo luận chia sẻ định hướng phát triển, hàng kỳ hàng quý, từ đó điều chỉnh những chính sách phù hợp. Nhưng những chính sách này để điều chỉnh ở Việt Nam, thì tiêu tốn rất nhiều thời gian.

Song song đó, ông Thăng Long cũng cho rằng, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần có sự đầu tư trọng điểm chứ không dàn trải. Chính phủ Hàn Quốc hợp tác với một số doanh nghiệp trọng điểm để đào tạo nguồn lực, từ đó tạo việc làm cho vài ngàn đến vài chục ngàn người, qua những show diễn âm nhạc như của BTS hay Blackpink và đem ra cả thế giới. Từ đó văn hóa Hàn Quốc được lan tỏa mạnh mẽ: "Phát triển văn hóa hay âm nhạc, không thể nào cần nguồn vốn nhỏ, nó cần nguồn vốn cực kỳ lớn mà trong đó cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Tôi nghĩa đây cũng là một trong những yếu tố cần nên cân nhắc", ông Long cho biết.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-chinh-sach-phai-chuyen-sau-dau-tu-trong-diem-post1142418.vov