Việt Nam có thể tạo nên những concert không thua kém Kpop

Tại buổi hội thảo 'Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa', Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định các concert 'Anh trai' không hề thua kém concert Blackpink...

Ngày 16-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa”.

 Toàn cảnh hội thảo Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa.

Toàn cảnh hội thảo Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa.

Hợp tác công - tư gọi tắt là PPP (Public - Private Partnership) được hiểu theo nghĩa rộng là hình thức thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia vào phát triển lĩnh vực, ngành phù hợp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của địa phương.

Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa là sự kết hợp giữa các cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội trong việc bảo tồn phát triển, quảng và các giá trị về văn hóa.

Giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt 44 tỉ USD, mức độ tăng trưởng đầu tư một năm khoảng 7-8%.

Concert âm nhạc "Anh trai" không hề thua kém Blackpink

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long đến từ ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam, cho biết năm 2024, Việt Nam có được hơn 50 show âm nhạc lớn nhỏ khác nhau, với sự tham gia của các nghệ sĩ trên thế giới và Việt Nam. Có show thu hút hơn 30.000 - 40.000 khán giả tham gia.

 PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long phát biểu tại hội thảo Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long phát biểu tại hội thảo Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa.

"Tôi nghĩ đây là cơ hội rất lớn để chúng ta có thể phát huy việc tổ chức concert trở thành ngành mũi nhọn trong văn hóa" - PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long bày tỏ và cho rằng những yếu tố liên quan đến âm nhạc của Hàn Quốc là điều Việt Nam nên học hỏi.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng ngoài chính phủ, Hàn Quốc có những công ty giải trí hàng đầu như SM, JYP, YG Entertainment và chính phủ đầu tư vào những công ty giải trí đó để huấn luyện, tạo ra những nghệ sĩ, ca sĩ như BTS, Blackpink cũng như show nhạc và đem show đó ra nước ngoài.

"Với sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ rằng đủ sức làm được những điều trên nhưng vấn đề là phát triển theo hướng nào cho phù hợp" - ông Long bày tỏ.

Nhắc về nhóm nhạc Blackpink, Ths Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay: "Concert Blackpink rất thành công nhưng vừa qua, chúng ta có concert quốc nội thành công như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gaiLễ hội âm nhạc Quốc tế Hò Dô.

Có thể nói chúng ta không hề thua kém nhưng để phát triển bền vững thì cần có thể chế phù hợp và đúng đắn".

 Hình ảnh Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hà Nội.

Hình ảnh Concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hà Nội.

Hợp tác công tư rất cần cho điện ảnh

Trong lĩnh vực phim ảnh, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phim Giải Phóng nhận định phát triển hợp tác công tư là điều hết sức cần thiết.

 Ths Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phim Giải Phóng.

Ths Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phim Giải Phóng.

"Chúng ta nên hợp tác công - tư để thúc đẩy, khai thác thêm nguồn kinh phí của tư nhân không chỉ là tài chính mà còn tạo điều kiện cho tư nhân để họ cùng góp sức xây dựng nền điện ảnh mang tính bền vững hơn" - ông Hưng nói.

Ở TP.HCM, một năm có thể ra 40 bộ phim phục vụ nhu cầu giải trí nhưng chỉ được phim của Trấn Thành và Lý Hải là thắng đậm; còn lại 70-80% là lãi ít, lỗ nhiều và trắng tay.

Rủi ro của điện ảnh rất lớn nên việc đầu tư công tư các đơn vị tư nhân rất cần một cơ chế pháp lý vừa phù hợp rõ ràng để họ cảm thấy yên tâm khi thực hiện các dự án mang tính rủi ro cao.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-co-the-tao-nen-nhung-concert-khong-thua-kem-kpop-post825268.html