Phát triển công nghiệp văn hóa: Nhiều 'khoảng trống' phải được lấp đầy!

Việc Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa lần đầu được tổ chức, do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì một lần nữa cho thấy phát triển CNVH không chỉ là xu hướng mà đã là một yêu cầu cấp bách.

Bởi thực tế cho thấy các sản phẩm của CNVH vừa có thể làm giàu cho một đất nước không thua kém bất cứ một ngành công nghiệp nào và cũng là nhân tố gắn kết con người, tăng cường hợp tác, trao đổi, thậm chí là “vũ khí đặc biệt” giúp bảo vệ bờ cõi văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, với Việt Nam, để CNVH phát triển, còn nhiều những khoảng trống về cơ chế, nguồn lực, thậm chí nhận thức, cách làm cần được nhanh chóng khơi thông.

1. Năm 2023 được xem là một năm đại thành công của ngành âm nhạc đại chúng Hàn Quốc (K-Pop). Ngày 19/12, Circle Chart - công cụ hàng đầu chuyên theo dõi doanh số bán album K-pop, cho biết tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng doanh số của 400 album K-pop phổ biến nhất đã cán mốc 116 triệu bản. Con số này tăng 144% so với 80 triệu bản cùng kỳ năm ngoái, lập kỷ lục về doanh số bán album hằng năm mà không cần tính đến số liệu của tháng 12.

Trước đó, theo thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc tiến hành từ hồi tháng 7, cho biết tỷ trọng xuất khẩu album K-pop (âm nhạc Hàn Quốc) ngay chỉ trong nửa đầu năm 2023 đã chạm mức cao nhất mọi thời đại, đạt 132,93 triệu USD, tăng 17,1% so với một năm trước. Đáng lưu ý là những quốc gia nằm trong top 10 thị trường hàng đầu, nhập khẩu nhiều album K-pop nhất, mang lại doanh thu cho K-pop nhiều nhất đều là những quốc gia phát triển mạnh về văn hóa giải trí: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Canada, Anh, Pháp.

Ngành công nghiệp K-pop “tấn công” thị trường quốc tế từ những năm 2000, sau đó ngành công nghiệp K-pop bắt đầu lan rộng ra các nước Đông Á và trong thập kỷ qua, phát triển và mở rộng liên tục ra thị trường âm nhạc toàn cầu với các mũi giáp công mũi nhọn cực hiệu quả là các nhóm nhạc hàng đầu như BTS, BLACKPINK, TWICE…

Không dừng lại ở đó, theo giới quan sát quốc tế, sau K-pop và phim ảnh, tiếng Hàn đang chinh phục thế giới. Trong năm 2022, Hàn Quốc là ngôn ngữ được học nhiều thứ 7 trên ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 2021 đã thêm hơn 20 từ có nguồn gốc từ tiếng Hàn. Giờ đây, tiếng Hàn có thể là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo vươn ra toàn cầu.

Sự lấn lướt chiếm lĩnh toàn cầu Làn sóng văn hóa Hàn Quốc hay Làn sóng Hallyu hay “Hàn lưu”, với K-pop, phim ảnh, tiếng Hàn là chủ đạo, con số doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm đã, đang là nỗi khát khao, thèm muốn của rất nhiều quốc gia trên thế giới nhiều năm qua. Dù vậy, cho tới nay, chưa mấy quốc gia nào làm được như Hàn Quốc đã làm.

Vậy Hàn Quốc đã có “bí quyết” gì? Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, sự quan tâm ngày càng tăng vào K-pop, phim ảnh, tiếng Hàn, sự thống trị ngày càng mạnh mẽ của Làn sóng Hallyu là nhờ vào một chiến lược phát triển và đầu tư bài bản, dài hơi, hết sức nghiêm túc cho nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Đơn cử như từ những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng các chính sách liên quan để phát triển và hỗ trợ nền công nghiệp văn hóa trong nước, nới lỏng các quy tắc kiểm duyệt, tạo môi trường thuận lợi để cho các văn nghệ sĩ có thể tự do thể hiện bản thân.

Năm 1999, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Đạo luật về xúc tiến ngành công nghiệp văn hóa, đi kèm theo đó là việc thành lập một quỹ hỗ trợ đặc biệt đồng thời miễn giảm thuế cho một số sản phẩm văn hóa. Đặc biệt, ngân sách đầu tư cho ngành “Công nghiệp văn hóa” của Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Vào năm 1994 là 5,4 tỷ won (KRW) (4,1 triệu USD), năm 2004, ngân sách dành cho “ngành công nghiệp văn hóa” đã tăng lên 172,5 tỷ KRW (132,8 triệu USD.

Năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã thành lập “Trung tâm Công nghiệp Văn hóa” để điều phối các bộ phận này với ngân sách 197,7 tỷ KRW (152,2 triệu USD). Đến năm 2012, ngân sách tiếp tục được tăng lên 249,1 tỷ KRW (191,7 triệu USD) cùng với việc tái cơ cấu các bộ phận. Các Tổng thống Hàn Quốc ưu tiên “làm giàu văn hóa” là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ... Bên cạnh đó, còn rất nhiều những hỗ trợ bài bản khác…

2.Trở lại kỳ vọng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cho tới nay là 7 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 1755/QĐ-TTg “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn đó những “khoảng trống” trong phát triển công nghiệp văn hóa. Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phát triển, tạo dựng cơ sở dữ liệu, công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa, bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hóa… cần được quan tâm hơn nữa.

“Chúng ta cần thẳng thắn nói rằng, chiến lược đã có nhưng khi triển khai thực hiện lại không dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đây là những ngành có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Phải đi vào thảo luận rất cụ thể, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp của từng Bộ, ngành, địa phương để phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan… trong phát triển công nghiệp văn hóa cần được đưa ra tại Hội nghị để nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phù hợp với thực tế nước nhà” - GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.

Cũng nhấn mạnh tới câu chuyện cần có một chiến lược bài bản, nhất là vấn đề cơ chế, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như Nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng và thứ hai cần có nhà đầu tư. Thực tế ở Việt Nam công nghiệp văn hóa chưa được coi là một ngành được ưu tiên và vì vậy chúng ta khó chuyển động. Chính vì thế, phải hình thành mô hình 3 nhà: Nhà đầu tư, Nhà nước và Nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Bên cạnh đó, quan trọng không kém là câu chuyện nhận thức, cách làm. Công nghiệp văn hóa cũng như bất cứ ngành công nghiệp nào khác, để phát triển, trước hết phải tạo ra được sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Mà muốn có được sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không những phải đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa riêng mà còn cần tương thích với những giá trị chung của toàn cầu, phải có sự hấp dẫn, tính độc đáo, phải nhận diện rất rõ rằng sản phẩm văn hóa ấy được tạo ra để dành cho ai, cho đối tượng có nhu cầu như thế nào.

Một trong những thách thức nữa mà chúng ta đã nhận diện được, đó chính là nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo hiện nay của chúng ta đang vừa thiếu vừa yếu. Theo TS. Lư Thị Thanh Lê cần phải có các giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: “Để đào tạo được nhân lực chất lượng cao trong ngành CNVH thì theo tôi, trước hết là phải tạo ra được một chiến lược về đào tạo, rà soát xem chúng ta cần nhân lực ở những lĩnh vực gì? Bên cạnh đó phải đảm bảo được chuẩn đầu ra. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải mở ra được những triển vọng về công ăn việc làm cho nhân lực trong ngành CNVH”.

3.Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đã thể hiện một bước tiến lớn trong nhận thức và hành động của Đảng, khi đưa nội dung “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Đến năm 2021, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa”. Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Và giờ đây là Hội nghị toàn quốc về CNVH.

Như vậy có thể nói, ở tầm vĩ mô, nhận thức của Đảng và Nhà nước ta đã có một sự thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực văn hóa nói chung và trong phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, phù hợp xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề còn lại, rõ ràng sẽ là việc cấp bách và quyết liệt trong việc lấp đầy những khoảng trống về cơ chế, nguồn lực và cách làm cho phát triển CNVH. Hãy nhìn vào hướng đi của Hàn Quốc, phải có sự quyết liệt, bài bản và kiên trì, mới có cơ hội đưa CNVH Việt Nam phát triển.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-nhieu-khoang-trong-phai-duoc-lap-day-post277500.html