Phát triển công nghiệp văn hóa: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức
Đánh giá một cách khách quan, Việt Nam có những thuận lợi, tiềm năng vô cùng lớn để phát triển công nghệ văn hóa. Thế nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như thiếu kinh nghiệm, khung pháp luật chưa hoàn thiện, các cơ quan chức năng phối hợp chưa tốt, nhân lực sáng tạo thiếu và yếu…
Tài nguyên trong lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Đây cũng là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Việt Nam đang xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang khẳng định sức hút mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa. Tiềm năng, lợi thế nhiều là vậy, nhưng cũng không ít thách thức cần nhận diện cũng như tìm ra giải pháp để có thể khai thác “mỏ vàng” từ các ngành công nghiệp văn hóa.
Chỉ sau 4 tuần chiếu rạp, “Mai” – bộ phim của đạo diễn Trấn Thành đã lập kỷ lục là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Việt Nam – hơn 500 tỷ (tức 20 triệu USD). Đáng mừng hơn, phim “Mai” chính thức được “xuất khẩu” khi được hãng 3388 Films công chiếu tại hơn 100 rạp trên khắp các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, CH Séc, Slovaki... Trước đó, bộ phim “Kẻ ăn hồn” cũng được công chiếu trên 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Đài Loan và 11 quốc gia thuộc Đông Nam Á.
Bước đi ra quốc tế này không chỉ giúp các phim Việt tăng thêm doanh thu phòng vé, mà quan trọng hơn là đã thay đổi nhận thức của ngành điện ảnh về tiềm năng của phim thương mại Việt Nam ở phòng vé Mỹ.
Mùa phim Tết vừa qua còn ghi nhận “hiện tượng lạ” khi bộ phim “Đào, phở và piano” liên tục “cháy vé” – trở thành bộ phim đầu tiên đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng do nhà nước đầu tư sản xuất vượt mốc doanh thu 11 tỷ đồng tại các rạp chiếu...
Đánh giá cao sức hút của các tác phẩm điện ảnh Việt năm nay, ông Nguyễn Khánh Dương - nhà sáng lập Box Office Vietnam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập cho biết: "Năm nay khá đặc biệt khi thị trường phòng vé Việt Nam có sự trỗi dậy của các phim Việt Nam. Như kết quả của năm thì có doanh số cao nhất phòng vé năm nay là phim Việt".
Nhà sản xuất Hoàng Quân kỳ vọng: "Tôi nhìn thấy, anh em trong ngành cũng đang rất nỗ lực để có thể làm việc, cống hiến và đồng thời khán giả cũng đang rất ủng hộ cho phim Việt".
Thành công ở lĩnh vực điện ảnh từ việc tận dụng lợi thế, khai thác yếu tố văn hóa, lịch sử, hợp thị hiếu người xem không chỉ mang lại doanh thu lớn mà còn có thể “xuất khẩu” nước ngoài. Và đó là tiềm năng của công nghiệp điện ảnh với dư địa lớn để có thể tiếp tục tận dụng, khai thác trong tương lai.
Ở lĩnh vực du lịch, cũng có thể khai thác lợi thế của di tích lịch sử tạo nên các sản phẩm du lịch di sản thu hút du khách, tạo nguồn thu.
Sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm mới, lạ, tổ chức các hoạt cảnh sinh động tái hiện tinh thần bất khuất của các chiến sỹ cách mạng trong ngục tù… Đội ngũ Truyền thông Di tích Nhà tù Hỏa Lò không ngừng kết nối với du khách thông qua những nội dung sáng tạo trên nền tảng số và những câu chuyện lịch sử đầy cảm hứng
Dấu ấn đáng nhớ nhờ sự đổi mới hình thức tiếp cận công chúng là năm 2023, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón hơn 600 nghìn lượt khách tham quan, đạt 14 tỷ đồng. Dù doanh thu còn ở mức khiêm tốn nhưng thành công bước đầu của Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho thấy nếu phát huy được tiềm năng, lợi thế có sẵn, di tích có thể tự nuôi di tích và đóng góp nguồn thu cho ngân sách. Quan trọng hơn, câu chuyện của Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn là động lực để các di tích lịch sử khác tại Thủ đô nghiên cứu, sáng tạo, góp phần phát triển di sản văn hóa. Đây cũng là 1 trong những ngành công nghiệp văn hóa có nhiều tiềm năng khai thác, được đề ra trong giai đoạn đầu của Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Tại khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Theo đó, Thành phố tập trung 8 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Đánh giá về lựa chọn này, ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe-nhìn khu vực Đông Nam Á cho biết: "Tôi nghĩ TP.HCM là nơi tiềm năng để các nhà làm phim quốc tế lựa chọn thực hiện các dự án phim. Nhiều nước không những hỗ trợ những nhà làm phim trong nước mà cả nhà làm phim quốc tế, bao gồm cả lợi nhuận cho phim. Do đó Liên hoan phim quốc tế TP.HCM là nơi để những đơn vị làm phim tìm được cơ hội và phát triển trong tương lai".
Thuận lợi của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay chính là chúng ta có một tầm nhìn về phát triển văn hóa, được Đảng, Nhà nước xác định rất rõ ràng bằng các Nghị quyết, chiến lược. Sau 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định đối với một số ngành công nghiệp văn hóa trong tổng số 12 ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa.
Chỉ riêng năm 2023, tổng doanh thu hơn 25 phim Việt ra rạp đạt 1.563 tỷ đồng. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên thị phần phim nội địa chiếm hơn 42% toàn thị trường tại Việt Nam.
Về du lịch văn hóa, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỉ đồng; tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Năm 2023, doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2022.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 5,59%; giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tăng bình quân 5,67%. Cả nước hiện có 130 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, giá trị sản xuất bình quân tăng 6,50%, giá trị gia tăng bình quân tăng 6,43%. Các chỉ số tăng đều qua các năm và ít chịu sự tác động của yếu tố ngoại cảnh.
Năm 2022, doanh thu quảng cáo đạt khoảng 2,192 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam năm 2022 đạt 12,7%, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng.
Công nghiệp văn hóa đang đóng góp tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân, thu hút hàng triệu việc làm mới mỗi năm. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như đứng trước nhiều thách thức.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương còn chưa đồng đều. Một số địa phương vẫn chậm trong triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, nên thiếu đầu tư, chưa tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói: "Chúng ta chưa có bề dày lịch sử phát triển CNVH và những người tham gia vào quá trình này coi như 1 ngành công nghiệp thì chưa có sự đồng cảm trong từng khâu. Bởi vì chúng ta chưa hiểu bản chất các ngành CNVH là gì khi nó gắn với môi trường công ghệ số nên chúng ta chưa có hệ sinh thái ở đó có sự lưu thông về mặt nhận thức. Khi chúng ta chưa nắm được bản chất, chưa có nhận thức và chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hành thì khát vọng thì có, mong muốn thì nhiều nhưng kỹ năng và kiến thức chưa mạnh".
Chính vì nhận thức chưa đầy đủ về các ngành công nghiệp văn hóa ở mọi cấp, mọi ngành dẫn tới thực trạng chưa có khung pháp lý đầy đủ, chưa hoàn thiện về cơ chế, chính sách để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa trong bối cảnh mới. Điều này đã được ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhận định: "Thứ nhất là điện ảnh mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm quảng cáo nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa đánh giá hiện trạng mà trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa thì chúng ta thấy rằng là cái chính sách. 5 lĩnh vực này thì chúng ta đồ nghe đâu đó thì có rất nhiều. Tuy nhiên, để mà thực sự đối với phát triển công nghiệp văn hóa hiện tại chúng ta vẫn còn rất thiếu rất mỏng".
Bà Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL thẳng thắn nhìn nhận: "Chính sách hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ, chính sách giảm thuế cho những nhà đầu tư về nghệ thuật rồi. Nếu như anh đầu tư nghệ thuật thay vì anh phải trả thuế doanh nghiệp. Anh được vừa được vinh danh anh vừa được giảm thuế thế. Nếu anh đầu tư cho nghệ thuật thì thuế của 4 % còn nếu không thì anh tới 25 % chẳng hạn, tức là mình đang tưởng tượng một câu chuyện rất cụ thể".
Khi bàn đến những khó khăn, thách thức phát triển công nghiệp văn hóa, những vấn đề được các chuyên gia nhắc tới tập trung ở các khía cạnh: Thiếu kinh nghiệm, khung pháp luật chưa hoàn thiện, các cơ quan chức năng phối hợp chưa tốt, nhân lực sáng tạo thiếu và yếu... Theo chuyên gia văn hóa Lê Quốc Vinh, nhiều nước quan niệm văn hóa nằm ở mọi chỗ, mọi nơi, thì lâu nay ở Việt Nam chỉ xem văn hóa là các hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Ông Lê Quốc Vinh nói: "Văn hóa là tổng thể, là tất cả các vấn đề trong xã hội không phải như chúng ta ở Việt Nam ta nghĩ văn hóa là văn hóa văn nghệ là lĩnh vực rất hẹp, chỉ có Bộ Văn hóa đó, Bộ Văn hóa từ lâu nay là quản lý về mặt văn hóa văn nghệ chứ không phải là lĩnh vực kinh tế văn hóa nó lớn bao trùm hơn liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của các ngành khác nữa".
Một điểm nghẽn nữa được TS Nguyễn Thu Thủy, Trường Khoa học Liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra là, người dân chưa thấy được lợi ích phát triển công nghiệp văn hóa từ sản phẩm văn hóa bản địa, để thay đổi những thói quen, tập tục xấu; cán bộ quản lý thiếu chủ động học hỏi, ngại đổi mới, né tránh trách nhiệm.
TS Nguyễn Thu Thủy nói: "Đây là câu chuyện nâng cao nhận thức, khi mà mọi người hiểu thì sẽ nhìn ra được những giá trị của các hình thức văn hóa. Có những loại hình nghệ thuật, chính những người mà đang làm việc trong lĩnh vực văn hóa nhưng có khi không có sự hiểu biết đầy đủ. Vậy thì ở đây, cùng với việc chúng ta tiến hành biểu diễn phục dựng thì chúng ta phải có người làm công tác thu thập tư liệu và đưa vào giảng dạy, để có thể giới thiệu các giá trị của các loại hình nghệ thuật này cho giới trẻ, từ học sinh cho tới sinh viên và cả người trưởng thành, để họ có thêm hiểu biết về hình thức này".