Phát triển công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) trao Quyết định thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cho ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Bà Phạm Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) trao Quyết định thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cho ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Đại hội có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu, cùng đông đảo nghệ sĩ, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, truyền thông và công nghệ.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ, với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tập hợp các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, đầu tư... nhằm kết nối nguồn lực, xúc tiến chính sách, phát triển thị trường và hệ sinh thái công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp hội là một cột mốc lịch sử, không chỉ với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, còn với toàn xã hội khi văn hóa được đặt vào đúng vai trò trụ cột: vừa là nền tảng tinh thần của dân tộc, vừa là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Đại hội thành lập, Hiệp hội đã chính thức thông qua Điều lệ hoạt động và bầu Ban Chấp hành gồm 46 ủy viên; Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội; cùng với 11 Phó Chủ tịch.

Ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hiệp hội Vương Duy Biên cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sử dụng hơn 3 triệu lao động, đóng góp khoảng 7% GDP. Một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nghị quyết, chính sách riêng để hỗ trợ phát triển ngành. Luật Thủ đô 2025 cũng lần đầu tiên xác lập những ưu đãi rõ ràng về thuế, đất đai, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, mở ra kỳ vọng lớn cho sự bứt phá. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn phân tán, manh mún và thiếu một đầu mối tổ chức có tầm vóc quốc gia. Đó chính là lý do Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam ra đời.

Giai đoạn 2025 - 2030, Hiệp hội xác định 5 trọng tâm hành động. Đó là Phát triển nhân lực văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo bằng cách phối hợp với các trường, viện và doanh nghiệp để đào tạo hàng ngàn giáo viên, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà tổ chức, lập trình viên, kỹ sư văn hóa số... Thành lập các Trung tâm công nghiệp văn hóa địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, Lâm Đồng - nơi có tiềm năng di sản, nghệ thuật truyền thống và không gian sáng tạo mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ xây dựng “Bản đồ dữ liệu văn hóa Việt Nam” nhằm kết nối bảo tàng, thư viện, xuất bản, di sản… thành nguồn dữ liệu mở phục vụ sản xuất phim, game, âm nhạc. Tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế quy mô lớn như: Liên hoan phim, âm nhạc, thời trang, thiết kế, mỹ thuật; đưa nghệ sĩ Việt ra thế giới, đón nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa, phối hợp cùng các quỹ sáng tạo, nhà tài trợ, doanh nghiệp công nghệ và nhà nước.

Ông Vương Duy Biết nhấn mạnh: Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu chỉ đặt trên đôi vai nghệ sĩ. Nó cần được nâng đỡ bởi doanh nhân sáng tạo, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý giỏi… và cả sự tham gia của cộng đồng. Hiệp hội là nơi quy tụ tất cả - một liên minh sáng tạo Việt Nam, nơi mà nghệ thuật - tri thức - công nghệ - thị trường cùng chung tay vì một mục tiêu: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột kinh tế và năng lực mềm quốc gia.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Hiệp hội phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Quang cảnh Đại hội đại biểu Hiệp hội phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: Thành Phương/TTXVN

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng được định vị là một tổ chức then chốt, có vai trò cầu nối chiến lược giữa các nghệ sĩ, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp văn hóa. Sứ mệnh cốt lõi của Hiệp hội là phát huy tối đa vai trò của văn hóa như một sức mạnh mềm quốc gia, đồng thời chuyển hóa văn hóa thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

Với tầm nhìn trở thành tổ chức đầu mối quốc gia thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp, sáng tạo, hội nhập, bền vững, Hiệp hội xác lập các giá trị cốt lõi gồm: Sáng tạo - bản sắc - kết nối - khởi tạo thị trường - phát triển bền vững. Hiệp hội sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chiến lược như: Kết nối hệ sinh thái ngành, đề xuất chính sách, xúc tiến thị trường, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Phương Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-trong-ky-nguyen-moi-20250711173403636.htm