Phát triển công trình xanh: cần một chiến lược bền vững
Kintedothi - Hiện nay, không ít DN còn phân vân trong việc đầu tư phát triển công trình xanh. Nguyên nhân do lo ngại chi phí tăng cao, tìm kiếm vật liệu xây dựng phù hợp khá khó khăn, cùng đó thiếu nguồn nhân lực…
Còn nhiều hạn chế
Theo thống kê của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho thấy, đến hết quý II/2024, Việt Nam có 476 công trình xanh, tương đương 11,489 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Số lượng công trình xanh ở Việt Nam ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED (đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều tòa nhà thương mại các tiêu chuẩn xanh trong nước và quốc tế. Theo xu hướng tất yếu hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) được yêu cầu tuân thủ các tiêu chí “xanh” cho công trình. Việc xây dựng NƠXH xanh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án NƠXH xanh mà không gia tăng chi phí vẫn là một thách thức đòi hỏi sự chung tay của chủ đầu tư và toàn xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng Phòng Quản lý, phát triển NƠXH, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) - Bộ Xây dựng nhìn nhận, hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở đã được nghiên cứu sửa đổi bổ sung nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều bộ luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở được nghiên cứu sửa đổi để có hiệu lực thi hành đồng thời. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có quan điểm rõ ràng về việc phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng.
Lĩnh vực phát triển nhà ở trên cả nước đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao điều kiện sống của phần lớn các tầng lớp Nhân dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn.
"Việc áp dụng các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực về nhà ở hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, các dự án nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng hiện nay đều do chủ đầu tư tự đặt mục tiêu và tự thực hiện" - thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh cho hay.
Theo Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường tại Việt Nam có thể kể đến là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ. Mặt khác, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, bên cạnh đó chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%.
Ngoài ra, còn thiếu sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng nên chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến loại hình này.
Tháo gỡ từ thiết kế
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành xây dựng, để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, cần xác định lộ trình công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu và lựa chọn một đội ngũ chuyên gia đa ngành nhiều giải pháp.
Sau đó, đưa ra được một giải pháp mà dự án có thể sử dụng được như giải pháp về quy hoạch, giải pháp mái xanh, hay sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình, hay giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà hay là tất cả giải pháp đó tích hợp lại.
Bên cạnh đó, tối ưu chi phí đầu tư nhằm giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép, song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong nhà. Đây là cách làm vừa đem lại hiệu quả giảm chi phí đầu tư, vừa giảm chi phí vận hành công trình, vừa có nhiều dữ liệu thiết kế đặc biệt.
Khi các hạng mục này hoàn thành thì việc lấy chứng chỉ công trình xanh sẽ trở nên dễ dàng và rẻ, vì điểm tiết kiệm năng lượng và môi trường rất cao, thậm chí đạt tối đa. Sau đó, bổ sung thêm vài yếu tố xanh đơn giản, dạng gạch đầu dòng khác, giúp lấy đủ điểm cho hạng mức chứng chỉ mong muốn.
Giám đốc Sen Vàng Group Nguyễn Bích Ngọc nhận xét, chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành…. Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả.
“Thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ góp mặt ở khâu thiết kế. Tuy nhiên để là một công trình xanh đúng nghĩa, chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình. Đó là tìm kiếm đất, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng” - bà Nguyễn Bích Ngọc lý giải.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu và ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số; đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở.
“Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu của hộ gia đình, cá nhân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp” - ông Nguyễn Đức Vinh nói.
Theo số liệu chưa đầy đủ của 42/63 địa phương, ước tính diện tích nhà ở bình quân năm 2024 của cả nước là khoảng 26,5m2/người. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, bởi nhiều khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng đã được thay thế bằng các khu nhà ở mới khang trang.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng Phòng Quản lý, phát triển NƠXH, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-can-mot-chien-luoc-ben-vung.html