Phát triển công trình xanh góp phần tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Ngành xây dựng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến đô thị hóa, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, cạn kiệt năng lượng nhiên liệu hóa thạch, tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Vì thế việc phát triển các công trình xanh đã và đang là tiêu chí quan trọng đặt ra trong việc thực hiện các công trình xây dựng nhằm thực hiện tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính.

Ngày càng gia tăng phát thải nhà kính

Giống như các thành phố đang phát triển bùng nổ khác trên thế giới, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng: dân số sống tại đô thị được dự báo sẽ tăng từ 34,7 triệu người vào năm ngoái lên 65,7 triệu người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa dân số sẽ chuyển đến sống ở các khu vực đô thị và tất cả đều cần một nơi để sống, làm việc, mua sắm, và sinh hoạt. Điều này có nghĩa là cần có thêm 12 triệu m2 sàn mỗi năm - đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam.

 Tiêu chuẩn EDGE đã được áp dụng cho gần 1,4 triệu m2 diện tích sàn xây dựng tại Việt Nam - chiếm hơn 50% thị trường công trình xanh của cả nước

Tiêu chuẩn EDGE đã được áp dụng cho gần 1,4 triệu m2 diện tích sàn xây dựng tại Việt Nam - chiếm hơn 50% thị trường công trình xanh của cả nước

Nhưng nhiều công trình xây dựng cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu liên quan khác cũng gia tăng. Xây dựng và vận hành các công trình chiếm 1/3 tiêu dùng điện tại Việt Nam, điều này thể hiện ở nhu cầu điện gia tăng trong những năm qua - mức tăng hai con số từ năm 2000. Nhu cầu điện đã tăng 13%/năm kể từ năm 2000 và dự báo sẽ tăng hơn 8% từ nay cho đến năm 2030. Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng cũng góp phần vào mức tăng 12%/năm phát thải khí nhà kính của cả nước, mức tăng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Các công trình xây dựng thải ra gần 40% lượng khí thải carbon, sử dụng khoảng 40% tổng năng lượng quốc gia. Việc tiêu tốn năng lượng và vật liệu đặt ra những vấn đề cấp bách cho môi trường và quan trọng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng.

Phát triển công trình xanh góp phần tiết kiệm năng lượng

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) nhằm giúp ngành xây dựng của Việt Nam đáp ứng các nhu cầu của một quốc gia đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Công ty Tài chính quốc tế IFC đã xây dựng hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả đặc biệt cho các thị trường mới nổi như Việt Nam - EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies). EDGE giúp đánh giá giúp các công trình tiết kiệm năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng công trình tối thiểu 20%, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Chỉ trong 5 năm, từ năm 2014 đến nay, EDGE đã được áp dụng cho gần 1,4 triệu m2 diện tích sàn xây dựng tại Việt Nam - chiếm hơn 50% thị trường công trình xanh của cả nước. Các công trình nhận được chứng chỉ EDGE tại Việt Nam đã mang lại lợi ích cho 50.000 cư dân, những người đã tiết kiệm được gần 1,4 triệu USD hóa đơn tiền điện nước. Các công trình này cũng giảm tiêu dùng được 12.000 MWH điện một năm và giúp tránh phát thải được gần 10.000 tấn khí nhà kính một năm.

Với sự hỗ trợ từ SECO, IFC cũng đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chuẩn mới về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, qua đó giúp ngành xây dựng cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện quy chuẩn là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng - cho biết, mặc dù hiện đã có các hệ thống chứng nhận xanh khác tại Việt Nam, hệ thống đánh giá công trình xanh EDGE là sự lựa chọn phù hợp cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mục tiêu hướng đến là áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh cho phân khúc dự án nhà ở trung cấp và bình dân tất cả hướng đến mục tiêu “Xanh, bền vững và thông minh”. Đến nay, EDGE nhanh chóng trở nên phổ biến hơn so với các hệ thống khác tại Việt Nam là do hệ thống đi liền với một ứng dụng tính toán các giải pháp “xanh” kèm theo chi phí đầu tư và mức tiết kiệm cụ thể.

Dưới góc độ DN ngành xây dựng, ông Đào Hùng Tiến - Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển dự án của Tập đoàn Capital House - chia sẻ, sự phát triển của các công trình xanh mang lại lợi ích chung cho nhiều bên. Các nhà đầu tư phát triển bất động sản được lợi từ việc các công trình xanh với mức giá bình dân sẽ dễ bán hơn, và cộng đồng cư dân cũng được hưởng lợi đáng kể khi tiết kiệm được chi phí điện năng. Theo ông Tiến, áp dụng EDGE công ty chỉ mất thêm khoảng 1% -1,5% chi phí xây dựng ban đầu nhưng mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho những người mua căn hộ. Ước tính những cư dân trong các công trình xanh có thể tiết kiệm được từ 30% - 40% thậm chí đến 60% hóa đơn tiền điện nước hàng tháng.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-gop-phan-tiet-kiem-nang-luong-hieu-qua-129388.html