Phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức và trách nhiệm về đảm bảo ATTP của người sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất an toàn theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ngành đã phối hợp với Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO) và các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ với quy mô 200 ha/năm tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 405,7 ha sản xuất lúa hữu cơ. Mô hình tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, giúp nâng cao nhận thức của nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Cùng với đó, mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ cũng được chú trọng phát triển.
Đến nay toàn tỉnh có trên 100 ha hồ tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ tại các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Một số đơn vị trên địa bàn đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm hồ tiêu ra thị trường quốc tế như Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Duy Proster... đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ được trên 50 tấn hồ tiêu, với giá bán cao hơn 20% so với thị trường trong nước. Mô hình trồng cam theo hướng hữu cơ được chú trọng phát triển trên 160 ha trong toàn tỉnh, riêng huyện Hải Lăng có 60,5 ha. Cùng với đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện mô hình trồng cam hữu cơ, sử dụng công nghệ phân bón Obi- Ong biển trên diện tích 0,7 ha. Mô hình canh tác cam theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 3 vụ, sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP và đạt chất lượng cao, giá bán cao hơn canh tác truyền thống từ 25 - 30%, mang lại triển vọng lớn cho người trồng cam trong tỉnh.
Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cũng được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện tốt, qua đó đã tạo liên kết chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, VietGAHP... Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành đã phối hợp Công ty Nafood Tây Bắc liên kết trồng và tiêu thụ chanh leo; phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và tiêu thụ dưa lưới; phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị liên kết trồng và tiêu thụ lúa canh tác tự nhiên; phối hợp với Công ty Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh và tập đoàn Quế Lâm liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống và lúa thương phẩm…
Các giải pháp áp dụng xử lý chất thải chăn nuôi như biogas, đệm lót sinh học cũng được nhân rộng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhằm giám sát bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, sản lượng.
Để giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm đảm bảo an toàn theo chuỗi, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện Đề án xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đối với 3 sản phẩm là rau, thịt gà, thịt lợn. Sản phẩm hoàn chỉnh được đóng gói, đảm bảo được quản lý và giám sát về ATTP, đồng thời có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến cuối năm 2020, ngành đã kiểm tra và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các đơn vị cung ứng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại 5 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản với 14 sản phẩm được chứng nhận.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP được xem là giải pháp quan trọng trong công tác đảm bảo ATTP. Trong giai đoạn từ 2011- 2021, ngành đã phối hợp thực hiện 50 đợt thanh tra, kiểm tra với 802 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra về đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản, từ đó góp phần ổn định hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP được ngành quan tâm thực hiện tốt. Đến nay, 100% số cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP đều được thẩm định đánh giá định kỳ, trong đó số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP là 396 cơ sở (chiếm 92%).
Hầu hết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân và tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, do vậy đảm bảo ATTP trong sản xuất nông nghiệp trở thành vấn đề được người tiêu dùng quan tâm. Việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ATTP mà ngành nông nghiệp triển khai thực hiện thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và đảm bảo ATTP.