Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Phải tạo nguồn từ trường nghề

Để phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, nên bắt đầu tạo nguồn đảng viên từ các trường dạy nghề.

Ngày 24/5, Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề đặt ra nhằm nâng cao chất lượng phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay”. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia "hiến kế" để giúp tỉnh tăng số lượng đảng viên, thành lập thêm nhiều tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu giải pháp để Bình Dương phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (ảnh: TL).

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu giải pháp để Bình Dương phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (ảnh: TL).

Số lượng đảng viên chưa tương xứng

Hiện nay, Bình Dương có khoảng 2,7 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu người làm việc trong các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Toàn tỉnh có hơn 61.000 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.

Tính đến nay, Bình Dương có 14 Đảng bộ cấp trên cơ sở; 585 tổ chức cơ sở Đảng, trong số đó có 64 tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, chiếm tỷ lệ 11% tổng số tổ chức đảng; 140 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 4.754 đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (chiếm tỷ lệ 9,2% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh).

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhưng số đảng viên được kết nạp, tổ chức Đảng thành lập vẫn chưa tương xứng so với tổng số doanh nghiệp và lực lượng công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Khu vực II) đánh giá, đảng viên là những chiến sĩ cách mạng, là người tiên phong và sẽ góp sức lan tỏa những giá trị chuẩn mực trong công nhân lao động. Từ đó không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần đưa tỉnh ngày càng đi lên. Bởi vậy, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phải được đẩy mạnh hơn nữa.

“Bình Dương là một trong những tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển lực lượng đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hy vọng trong thời gian tới, số lượng đảng viên là người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, là chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước sẽ tăng lên", TS Nguyễn Thị Trâm bày tỏ.

Chi bộ Công ty He Vi ở Bình Dương kết nạp đảng cho người lao động (ảnh: TL).

Chi bộ Công ty He Vi ở Bình Dương kết nạp đảng cho người lao động (ảnh: TL).

Cần linh hoạt và hài hòa lợi ích

Để phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, nên bắt đầu tạo nguồn đảng viên từ các trường dạy nghề. Bởi sau khi ra trường, họ là những công nhân, hay quản lí trong nhà máy. Đây sẽ “hạt nhân” xây dựng phong trào phát triển Đảng ngày càng sâu rộng.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần đổi mới nội dung tuyên truyền để người lao động, chủ doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về việc tham gia vào tổ chức Đảng; đồng thời có những cách làm phù hợp, linh hoạt trong quy trình kết nạp Đảng, thời gian sinh hoạt Đảng nhưng vẫn đảm bảo các quy định của Đảng ban hành.

Theo TS Phan Duy Anh, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, việc phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước không chỉ ở góc độ chính trị mà còn là câu chuyện kinh tế. Đảng muốn phát triển sâu vào “mảnh đất” doanh nghiệp tư nhân thì phải chủ động tổ chức đối thoại xử lí những vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời kết hợp giới thiệu lợi ích khi tham gia vào tổ chức Đảng. Từ đó, việc “gieo hạt giống đỏ” trên mảnh đất "khô cằn" này mới có kết quả.

“Khả năng để doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chính sách của chính quyền là một trong những “bài toán” mà bất cứ doanh nghiệp nào đến địa phương đều quan tâm. Do đó, ở vấn đề giải quyết mối quan hệ Đảng, phát triển Đảng và phát triển doanh nghiệp, không chỉ ở câu chuyện xây dựng Đảng và chính trị học mà là câu chuyện giữa khoa học chính trị và kinh tế học", TS Phan Duy Anh cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cho biết, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước không dễ dàng và mang tính đặc thù. Do đó, cần phải có chính sách thích hợp để tạo sự đồng thuận cao của chủ doanh nghiệp và người lao động. Để công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước thuận lợi, Bình Dương sẽ có những chính sách linh hoạt trong thủ tục kết nạp Đảng và sinh hoạt.

"Trường Chính trị tỉnh Bình Dương cần kết hợp với các ban ngành hệ thống lại, cái nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tính, không thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ kiến nghị với Trung ương, để mở ra một cơ chế thực tiễn đáp ứng nhu cầu trong việc xây dựng Đảng, cũng như phát triển đảng viên mới trong giai đoạn kế tiếp thuận lợi hơn", ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phat-trien-dang-trong-doanh-nghiep-tu-nhan-phai-tao-nguon-tu-truong-nghe-post1022384.vov