Phát triển đảng viên từ thanh niên nhập ngũ (bài 3)
Một buổi sinh hoạt của chiến sĩ Trung đoàn BB24, Quân đoàn 10 là công dân Phú Yên vào năm 2018. Ảnh: XUÂN HIẾU
BÀI 3: “Bài toán” quản lý đảng viên xuất ngũ
Công tác quản lý, sử dụng đảng viên là QNXN trở về địa phương sao cho hiệu quả, để không thất thoát đảng viên là “bài toán học búa” chưa có lời giải về một thực tế đáng lo ngại.
Đây là vấn đề mới và đặc biệt khó, nảy sinh từ thực tiễn, chưa được mổ xẻ nên cần sớm được nhận diện đầy đủ. Để đánh giá đúng tình hình, có hướng xử lý hiệu quả, triệt để, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chủ trương, giải pháp.
Rời hàng ngũ vì… mưu sinh
Ông Phạm Văn Trừ, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Sông Cầu chia sẻ: Sau xuất ngũ, trở về địa phương, phần đông trong số QNXN không thể tìm được việc làm, đành khăn gói đi làm công nhân, làm thuê ở nhiều nơi. Anh em vì mưu sinh mà không có điều kiện thực hiện trách nhiệm của người đảng viên, chứ họ đều có nhận thức chính trị khá tốt. Khi đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nơi không có tổ chức Đảng, dù họ rất muốn về địa phương tham gia sinh hoạt, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không thể đi lại hàng trăm cây số trong 1-2 ngày và cũng không thể cứ đi lại như vậy mãi hoặc miễn sinh hoạt hết tháng này đến tháng khác.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh, từ năm 2016 đến nay, có 714 đảng viên hoàn thành NVQS, chuyển sinh hoạt về đảng bộ 9 huyện, thị xã, thành phố, chiếm tỉ lệ 8,87% so với tổng số QNXN. Trong đó, có 63 đảng viên được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị địa phương (chiếm tỉ lệ 8,82% so với tổng số đảng viên xuất ngũ); 206 đảng viên tìm được việc làm trong các công ty, xí nghiệp (chiếm tỉ lệ 28,85%). Số còn lại chủ yếu làm nghề nông, nghề biển, lao động tự do.
Ở huyện Tây Hòa, theo Ban Tổ chức Huyện ủy, trong 189 đảng viên là QNXN trở về địa phương từ nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, có 19 người được bố trí, làm việc trong hệ thống chính trị cơ sở, gồm 1 phó chủ tịch hội CCB xã, 1 phó chỉ huy trưởng ban CHQS xã, 15 người là bí thư chi đoàn thôn, thôn đội trưởng, công an viên, 1 cán bộ HTX và 1 bảo vệ trường học. Còn theo Ban Tổ chức Thị ủy Đông Hòa, có 23/135 đảng viên là QXNX trở về địa phương đang làm việc trong hệ thống chính trị ở cơ sở…
Do nhiều nguyên nhân, nhất là khung biên chế cơ sở đã được kiện toàn cơ bản nên đảng viên là QNXN được tuyển dụng với tỉ lệ rất thấp. Vì không có việc làm ở địa phương, phải bươn chải mưu sinh cách xa gia đình hàng trăm cây số nên những trường hợp này gặp không ít khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên, phải đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn hoặc tiếp tục ở lại hoặc rời khỏi hàng ngũ của Đảng vì không có điều kiện tham gia sinh hoạt thường xuyên, như trường hợp của Phạm Thanh Liêm (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa).
Phó Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam Phạm Thị Tuyết Hoa trăn trở: Quản lý đảng viên là QNXN, giữ họ ở lại với Đảng là bài toán hóc búa đối với tổ chức cơ sở đảng khi bộ máy đã ổn định; cấp ủy, chính quyền phường xã không thể sắp xếp, bố trí việc làm phù hợp cho họ. Còn Phó Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hiệp Trung Nguyễn Thị Ngọc Son cho hay: Năm 2020, trong đảng bộ có 2 đảng viên là QNXN bị xóa tên. Vì hoàn cảnh khó khăn, do đi làm ăn xa nên thời gian đầu những đảng viên này có đơn xin miễn sinh hoạt. Mặc dù cấp ủy, chi bộ đã có sự “châm chước” nhất định, nhưng về sau, do không còn giữ mối liên hệ thường xuyên, bỏ sinh hoạt nhiều tháng, không đóng đảng phí… buộc lòng cấp ủy, chi bộ phải đề nghị xóa tên.
Phó Bí thư thường trực Thị ủy Đông Hòa Nguyễn Phi Hổ, cho biết mỗi lần đưa ra xem xét các trường hợp đề nghị xóa tên hoặc xin ra khỏi Đảng, tập thể Ban Thường vụ đều rất trăn trở, tiếc nuối. Bởi lẽ không chỉ để “mất đi” những đồng chí, đồng đội trong chính hàng ngũ của mình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, công tác phát triển đảng về sau. Còn Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tuy Hòa Huỳnh Ngọc Oánh chia sẻ: Tình trạng đảng viên là QNXN bỏ sinh hoạt đảng, suy cho cùng đều xuất phát từ việc mưu sinh. Chỉ vì không có điều kiện tham gia sinh hoạt đảng mà đồng chí của mình xin ra khỏi Đảng hoặc bị xóa tên. Đây là một vấn đề khó, là “bài toán” chưa tìm ra lời giải, nảy sinh từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở trong nhiều năm qua.
Giải pháp nào giữ đảng viên “ở lại”?
Ông Nguyễn Hữu Thuận, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tây Hòa cho rằng, vì mưu sinh, do đi làm ăn xa mà một số đảng viên QNXN bỏ Đảng. Vì vậy một trong những giải pháp quan trọng để “giữ” đảng viên QNXN là phải tạo được việc làm tại chỗ, giúp họ có điều kiện tốt nhất tham gia sinh hoạt đảng tại nơi cư trú, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đi làm ăn xa. Khi có việc làm, họ sẽ sớm ổn định cuộc sống, lập gia đình và gắn bó với quê hương. Đó cũng là “điều kiện cần” để đảng viên gắn bó, tham gia sinh hoạt đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên.
Đại tá Nguyễn Như Trí, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, đảng viên 51 tuổi Đảng cho rằng, đảng viên QNXN là những “hạt giống đỏ” được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân đội - ngôi trường lớn của cách mạng. Sau khi trở về địa phương, đa số tiếp tục phát huy truyền thống của quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tuy nhiên, một số ít vì kinh tế gia đình phải đi làm ăn xa, không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của người đảng viên nên xin ra khỏi Đảng. Đây là điều xót xa. Vấn đề này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đảng viên là QNXN có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế gia đình, “ly nông bất ly hương”, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò của người đảng viên.
Theo ông Nguyễn Văn Huynh, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính trị viên Ban CHQS TP Tuy Hòa, cái khó trong giới thiệu, tạo việc làm cho QNXN là ngành nghề quân nhân được đào tạo trong quân đội chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu lao động ở địa phương; nhất là trong xu thế phát triển công nghiệp, nhu cầu ngành nghề công nghiệp hỗ trợ tăng lên... Vì vậy, cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở cơ quan nhà nước và UBND xã, phường, thị trấn đối với đảng viên là QNXN có đủ điều kiện; linh hoạt tạo điều kiện để họ thử sức ở những vị trí, công việc cần sức trẻ, nhiệt huyết. Rất cần những chương trình, đề án đào tạo nghề miễn phí, có địa chỉ, bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... tạo ra “ngân hàng” việc làm cho người lao động nói chung, QNXN nói riêng. Theo đó, phải có tiếng nói chung giữa các đơn vị quân đội, doanh nghiệp và địa phương trong việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho QNXN, đáp ứng giữa cung - cầu. Cả hệ thống chính trị đảm bảo cho quân nhân khi rời quân ngũ là đến với trường nghề và sau khi tốt nghiệp trường nghề là đến với việc làm bằng con đường ngắn nhất, với địa chỉ cụ thể, rõ ràng nhất. Đồng thời tăng cường xây dựng tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên, các câu lạc bộ Cựu quân nhân ở cơ sở, để thu hút QNNX và để họ thực sự là chủ thể các tổ chức này.
Đảng viên vi phạm Điều lệ dẫn đến bị khai trừ ra khỏi Đảng là chuyện đương nhiên. Có vào có ra, đó là quy luật. Còn một số trường hợp vì không làm tròn trách nhiệm của người đảng viên do đi làm ăn xa rồi không còn thiết tha, xin ra khỏi Đảng là vấn đề rất đáng quan tâm. Theo tôi cần kiểm tra, đánh giá đúng đắn thực chất vấn đề này để cùng nhìn nhận, tìm ra giải pháp và có đề xuất kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Chín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
BÀI CUỐI: Chủ trương đúng đắn