Phát triển dịch vụ du lịch sau đại dịch
Với mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành điểm du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có điều kiện về mặt bằng, vị trí giao thông thuận lợi mở rộng quy mô, phát triển đa dạng các mặt hàng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của du khách và người tiêu dùng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực trên địa bàn thành phố chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các món ăn và phương thức phục vụ khách hàng chuyên nghiệp.
Toàn thành phố Việt Trì hiện có trên 3.600 doanh nghiệp và 24.000 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ở nhiều nhóm như: Dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, dịch vụ đô thị, bến bãi... Trong đó, kinh doanh ẩm thực là nhóm ngành dịch vụ quan trọng, góp phần tạo ấn tượng, sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Do đó, thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng tuyến phố ẩm thực; khuyến khích các hộ kinh doanh xây dựng hệ thống dịch vụ nhà hàng từ đặc sản đến bình dân; các món ăn chế biến từ truyền thống tới hiện đại để quảng bá văn hóa ẩm thực gắn với hoạt động du lịch Đất Tổ.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có trên 1.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cà phê, giải khát với đa dạng các món ăn, đặc sản địa phương, vùng miền. Các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện ký cam kết trong kinh doanh. Trong đó, hai tuyến phố Tiên Dung và Nguyễn Du đã được công nhận, gắn biển “Phố ẩm thực” với hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ, đa dạng các món ăn, các kiểu chế biến từ truyền thống đến hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Hải Lý - Chủ cửa hàng ẩm thực trên đường Nguyễn Du cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ bắt đầu đông trở lại, trung bình mỗi ngày chúng tôi phục vụ khoảng vài chục lượt khách hàng với các món chế biến từ vịt. Để tạo được ấn tượng, chúng tôi không chỉ chú trọng chất lượng món ăn mà còn quan tâm đến cách phục vụ, không phân biệt khách lạ, khách quen và bán đúng giá đã niêm yết trên thực đơn”.
Song song với đẩy mạnh phát triển dịch vụ ẩm thực, thành phố cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh phát triển dịch vụ lưu trú. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện các khách sạn cao cấp như: Mường Thanh Phú Thọ; Sài Gòn-Phú Thọ; ViberX2, Lâm Anh... cho thấy sự tăng trưởng của dịch vụ lưu trú trong lĩnh vực ngành du lịch. Bên cạnh đó, một số khách sạn, nhà nghỉ hoạt động lâu năm cũng nâng cấp, cải tạo. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở lưu trú thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống cháy nổ và hướng dẫn khách hàng các thủ tục khai báo tạm trú. Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu đạt khoảng 2.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách.
Với mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch, đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực, lợi thế của thành phố, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, thời gian tới, thành phố đẩy mạnh phát triển mạng lưới các cơ sở lưu trú, ăn uống đa dạng về loại hình, đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp và văn minh trong phục vụ; duy trì các tuyến phố ẩm thực hiện có, đồng thời có kế hoạch sửa chữa các tuyến phố chính, từng bước sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo hướng tuyến phố chuyên doanh, đặc biệt là hình thành thêm các tuyến phố, khu phố chuyên doanh ẩm thực nằm trong khu du lịch ven sông Lô, sông Hồng; thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án cung cấp dịch vụ lưu trú cao cấp như: Khách sạn cao cấp, biệt thự du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình trên địa bàn thành phố đầu tư phát triển mạng lưới nhà nghỉ, mô hình homstay trong dân tại các điểm du lịch khám phá và trải nghiệm.
Hà Nhung