Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam - kỳ cuối: Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc cần phải có quyết tâm triển khai, có tiền, khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có những cơ chế và chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Giảm bớt thủ tục, xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành điện từng tham gia phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam giai đoạn trước, khẳng định, để thúc đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trước hết Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị được giao nhiệm vụ cần xây dựng cũng như đưa ra những cơ chế và chính sách đặc thù cho từng đầu việc, lĩnh vực triển khai cũng như trong tuyển dụng và cả lựa chọn các hạng mục công nghệ… Với một dự án lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, lại là dự án đặc biệt quan trọng, với công nghệ phức tạp và nhu cầu vốn đầu tư lớn, sẽ không thể đảm bảo dự án vận hành được vào năm 2030 nếu không có những cơ chế thật sự đột phá, thậm chí vượt qua cả các quy định hiện hành.
Các bộ, ngành cần được cho phép triển khai đồng thời các công việc chuẩn bị, đàm phán các hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với việc lập hồ sơ, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư… Việc chỉ định với gói thầu xây dựng nhà máy chính hoặc chỉ định thầu rút gọn cho các gói thầu tư vấn quan trọng, mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành và bảo dưỡng trong thời gian đầu cũng là một giải pháp tốt để đẩy tiến độ.
“Một đầu việc khó và cũng cần làm ngay lúc này chính là phải làm việc chặt chẽ với IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) trong thực hiện các quy định về phát triển ĐHN cũng như có các phương án tài chính, thu xếp vốn thông qua đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác. Dự án sẽ cần lượng vốn khổng lồ nên nếu không có giải pháp sớm, sẽ rất khó có thể nói trước được về tiến độ dự án. Chúng ta cũng phải tính tới việc làm dự án ĐHN thì cơ chế giá điện thế nào sau khi hoàn thành. Đây là việc cần tính toán cẩn trọng”, vị chuyên gia nói. Ông cũng cho rằng, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu cho gói thầu “chìa khóa trao tay” có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch. Do đó, cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu và bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên triển khai các dự án điện hạt nhân với quy mô lò lớn (ảnh minh họa)
Nhấn mạnh việc cần tập trung cho nhân lực với kế hoạch dài hơi, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, việc thống kê và lên danh sách các hạng mục đào tạo, nhu cầu đào tạo và cả cơ chế cho việc đào tạo nhân lực cho ĐHN là việc cần triển khai ngay lúc này. Theo ông Quân, việc đào tạo, chuẩn bị nhân lực sẽ đi kèm các chiến dịch về truyền thông bài bản. Do dự án đã bị ngừng nhiều năm nên trong số nhân sự được đào tạo, nhiều người đã chuyển làm việc ở lĩnh vực khác, nhiều người đã nghỉ chế độ, nghỉ hưu, nên đào tạo lại sẽ đòi hỏi thời gian, công sức để làm lại từ đầu. Trước mắt, trong 5 năm tới, cần phải có chế độ đãi ngộ rất tốt để thu hút nhân lực phù hợp cũng như thu hút được những nhà khoa học hoặc những cán bộ kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài về làm việc trong nước. Số chuyên gia được đào tạo bài bản về năng lượng hạt nhân quá ít cũng là khó khăn rất lớn để triển khai dự án ĐHN ở Ninh Thuận.
“Với một công việc liên quan đến công nghệ chưa từng được triển khai ở Việt Nam nhưng đòi hỏi trình độ cao và luôn đối mặt những áp lực về rủi ro, về an toàn thì sẽ cần có một chế độ đãi ngộ thật thỏa đáng. Còn nếu không, người ta sẽ không theo học và không làm việc trong lĩnh vực này”, ông Quân nói.
Cần chọn công nghệ lò quy mô lớn, có tầm nhìn dài hạn
Theo các chuyên gia ngành điện, đây là thời điểm để Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới thông qua việc đưa ra các quyết sách đúng với tầm nhìn dài hạn về tổng thể. Việc chọn công nghệ và quy mô lò của nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận không thể vì lý do thiếu tiền, lo tăng nợ công mà chọn những công nghệ chưa được kiểm chứng nhiều qua thời gian. Việc làm ĐHN cần những tầm nhìn dài hạn để không phải sửa chữa sai lầm về lâu dài.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), cho rằng, để làm ĐHN, trước tiên cần có cơ chế về huy động vốn, đào tạo nhân lực có chất lượng với chiến lược bài bản để có thể nắm bắt và từng bước làm chủ công nghệ trong các khâu quan trọng như: điều khiển lò phản ứng, xử lý hoặc tái xử lý nhiên liệu đã cháy, sản xuất nhiên liệu… Cùng với đó, phải có tầm nhìn dài hạn trong phát triển ĐHN ở Việt Nam để hướng tới việc phát triển thành một ngành công nghiệp chế tạo thiết bị với sự tham gia của các doanh nghiệp cả trong khối Nhà nước và tư nhân. Việc sửa đổi, cập nhật Luật Năng lượng nguyên tử cũng là một nhiệm vụ quan trọng đi cùng với việc hợp tác chặt chẽ với IAEA và các đối tác khác trong trước mắt và lâu dài.
Nhấn mạnh việc cần có tầm nhìn dài hạn và lựa chọn đúng về công nghệ cũng như quy mô của các dự án ĐHN, ông Diễn cho rằng, hiện trên thế giới có 2 trường phái chọn làm ĐHN. Một số quốc gia đã bắt đầu ủng hộ làm nhà máy ĐHN với lò phản ứng kiểu mô đun nhỏ (Small Modular Reactor - SMR). Đây là lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có công suất điện đến 300 MWe trên mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát điện của lò phản ứng ĐHN truyền thống. Các lò này có đặc điểm là chu kỳ thay đảo nhiên liệu dài (từ 5-10 năm mới phải làm một lần) chưa kể với diện tích nhỏ nên thuận lợi trong việc chọn địa điểm và có chi phí đầu tư thấp, thời gian xây dựng ngắn (thiết kế module)... Dù được nhiều nước ủng hộ nhưng trên thực tế, mới chỉ có 2 thiết kế lò loại này đã được xây dựng và vận hành, một vài thiết kế đang được triển khai xây dựng.
“Việt Nam cũng có thể đồng thời nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân quy mô nhỏ để triển khai trong tương lai, có thể trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện IX cho giai đoạn sau năm 2040. Đây là quãng thời gian đủ để các nhà máy điện quy mô nhỏ có đủ thời gian để kiểm chứng và thế giới sử dụng rộng rãi đi kèm với đó là giá thành để xây dựng cũng sẽ phù hợp hơn. Khi đó, chúng ta có thể đầu tư các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ để thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than đã hết hạn sử dụng mà không thể thay thế bằng các nguồn nguyên liệu sạch, tái tạo. Các lò nhỏ cũng có thể được triển khai ở những vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng mà có nhu cầu điện quy mô vừa phải”
Ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam)
Theo các chuyên gia năng lượng, các dự án SMR đầu tiên sẽ có chi phí rất cao do lần đầu tiên được triển khai và tương lai còn khá bất định. Do là công nghệ mới và nửa cuối thế kỷ 21 các SMR mới có thể triển khai sau khi minh chứng được an toàn, kinh tế nên cũng không có nhiều nước lựa chọn. Hiện Indonesia đặt SMR trong tầm ngắm triển khai cho giai đoạn từ 2050 - 2060.
“Về ý kiến chọn thử nghiệm ở quy mô lò công suất nhỏ cho dự án đầu tiên ở Việt Nam, theo tôi, đây là điều chưa thực tế. Cần phải hiểu, lò công suất nhỏ không có nghĩa là dùng công nghệ đơn giản. Các SMR đều theo xu hướng kết hợp một cách hợp lý giữa an toàn chủ động và an toàn thụ động với cách tiếp cận thiết kế tích hợp, trong đó vùng hoạt chứa nhiên liệu hạt nhân, thiết bị sinh hơi, thiết bị điều áp và bơm tuần hoàn đều được đặt trong thùng lò phản ứng. Hoặc sử dụng viên nhiên liệu dạng sỏi cuội, chất tải nhiệt dùng muối nóng chảy, khí nhiệt độ cao… Việc thử nghiệm ở quy mô lò công suất nhỏ cho dự án đầu tiên của Việt Nam hiện nay là chưa thực tế”, ông Diễn lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc chọn công nghệ nào đặc biệt quan trọng và cần được kiểm chứng theo thời gian. Làm ĐHN lò công suất lớn hay công suất nhỏ thì đều phải tuân thủ các quy định, quy trình vận hành như nhau theo các quy chuẩn quốc tế, không thể bớt bất cứ khoản mục nào.
Theo ông Sơn, các lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn, từ 800 - 1.200MW đã được kiểm chứng hàng chục năm qua và các quốc gia như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã dùng và cũng đã xuất khẩu công nghệ này. Còn các lò công suất quy mô dưới 300MW đang trong quá trình thử nghiệm và mới chỉ có 4 lò SMR được triển khai ở Nga và 2 lò công suất 200MWe vận hành cùng một tuabin vào năm 2023 tại Trung Quốc. “Với điện hạt nhân, nên lựa chọn công nghệ đã được kiểm chứng và có đủ thời gian được kiểm chứng dù đang được nhiều nước quan tâm”, ông Sơn nói.