Phát triển điện khí LNG - giải pháp giúp hiện thực hóa cam kết tại COP26

Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường.

Nhằm cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho cộng đồng về một trong những loại khí rất quan trọng của thế giới trong tương lai, đặc biệt trong quá trình chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan sản xuất và phát sóng chương trình “COP26” với chủ đề về điện khí LNG trên kênh sóng Truyền hình Quốc hội vào ngày 8/10 và 9/10.

Chương trình không chỉ mang đến cho khán giả truyền hình những thông tin mới nhất về tình hình an ninh năng lượng, giải phát tiết kiệm, công nghệ sử dụng năng lượng tiên tiến trên thế giới,... mà còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đó là “Xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Thời gian qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí LNG cho phát điện tiềm năng nhất ở Châu Á. Phát triển điện khí LNG cũng được xác định là giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, cũng như dự báo trước được sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai, nên đã đang gấp rút thực hiện hàng loạt chỉ đạo và các hoạt động cho các dự án khí-điện LNG lớn, điển hình có:

1. Kho LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1 công suất khoảng 1500 MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

2. Kho LNG Long Sơn giai đoạn 1 công suất khoảng 1200-1500 MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

3. Kho LNG Sơn Mỹ bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 (Bình Thuận) có tổng công suất khoảng 4500 MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

Đặc biệt, với nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân năm khoảng 6%/năm, chắc chắn điện khí LNG sẽ được chú trọng quan tâm, đầu tư mạnh mẽ trong tương lai, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững đất nước.

Với những mục tiêu cần đạt được trong tiến trình thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, Chương trình “COP26” sẽ tiếp tục được Truyền hình Quốc hội sản xuất, phát sóng chính vào 21h00 thứ bảy và phát lại vào 18h00 chủ nhật hàng tuần để tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến cộng đồng và xã hội của Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung về những hành động giúp cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-trien-dien-khi-lng--giai-phap-giup-hien-thuc-hoa-cam-ket-tai-cop26-5699135.html