Phát triển đô thị đi đôi với chỉnh trang, tái thiết và thúc đẩy kinh tế đô thị
Chiều 21-4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025' tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện chương trình. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện...
Hoàn thành 4/19 chỉ tiêu
Sau hơn 2 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Chương trình số 03-CTr/TU đã đạt kết quả tích cực.
Đến nay, 4/19 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành gồm: “Hoàn thành xây dựng 2- 3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn”; “Phát triển, mở rộng 3- 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ”; “Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận”; “Triển khai đầu tư xây dựng 1 Tháp trung tâm tài chính”.
Trong đó, 2 trung tâm thương mại đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Trung tâm thương mại Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, trung tâm thương mại Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm. Bốn không gian, tuyến phố đi bộ hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Không gian đi bộ Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xá...
Công tác chỉnh trang đô thị được thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh thực hiện. UBND thành phố đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và 6 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai. Đã có 2 dự án hoàn thành, chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác.
Thành phố cũng tổ chức rà soát, kiểm tra và lựa chọn được 32 biệt thự cũ do thành phố quản lý và 15 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn. Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị đã thực hiện xong việc bảo tồn, chỉnh trang 12 biệt thự cũ và 7 công trình kiến trúc khác...
Phát triển đô thị hướng tới đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thành phố tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Thành phố thông minh, Khu đô thị mới Đông Anh theo hướng đô thị thông minh. Đồng thời, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, chương trình phát triển nhà ở thành phố. Đến hết năm 2022, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 27,6m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở phát triển theo dự án mới đạt gần 1,8 triệu mét vuông sàn nhà ở...
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ một số chỉ tiêu còn chậm triển khai thực hiện: Đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa; triển khai đầu tư xây dựng 1- 2 khu outlet quy mô lớn. Trong đó, một số chỉ tiêu còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện do chưa xác định được mô hình, tiêu chí như mô hình đô thị thông minh, mô hình khu outlet. Chỉ tiêu về hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do vấn đề bố trí nguồn vốn....
Tham luận tại hội nghị, đại diện các Sở Giao thông Vận tải, Công Thương, UBND quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên... đã trao đổi, bổ sung các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình.
Phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU nhấn mạnh: Đây là chương trình có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp với các yêu cầu về kết quả, sản phẩm cụ thể. Bên cạnh phát triển đô thị, phải đi đôi với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, đồng thời quan tâm phát triển kinh tế đô thị.
Với sự nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đến nay, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại. Bước đầu đã triển khai có hiệu quả một số dự án, công trình trọng điểm, trong đó có những dự án chậm nhiều năm, như: Hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Vành đai 2 trên cao; khởi công và triển khai các dự án: Cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai…
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã kiểm tra tình hình thực hiện tại 8 đơn vị; tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai một số dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, giao thông (hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…). Qua kiểm tra sớm, đã kịp thời đánh giá được tình hình, đồng thời tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các kiến nghị, đề xuất để đẩy nhanh tiến độ.
“Việc người dân, dư luận hết sức quan tâm đến các việc, ví dụ như màu sơn khi cải tạo biệt thự 49 Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm, tuyến phố đi bộ quận Hai Bà Trưng… thể hiện chương trình rất có ý nghĩa với nhân dân”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Duy trì và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ giữa Ban Chỉ đạo Chương trình với các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bảo đảm sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của Chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng, qua đó có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.