Phát triển 'đô thị xanh' Sông Cầu xứng tầm với tiềm năng
Một góc TX Sông Cầu. Ảnh: MINH NGUYỆT
Sông Cầu là vùng đất thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, lưu dân có từ rất sớm, đa phần dân cư sống bằng nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Năm 1611, từ thời Thành hoàng Lương Văn Chánh vào khai khẩn vùng đất Phú Yên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, danh xưng Sông Cầu đã xuất hiện và thuộc huyện Đồng Xuân, phủ Trấn Biên…
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, có thời gian danh xưng Sông Cầu gần như bị lãng quên, mấy năm đầu nhập vào huyện Đồng Xuân, sau đó lại nhập với huyện Tuy An thành huyện Xuân An thuộc tỉnh Phú Khánh. Năm 1985 mới tách ra như cũ là huyện Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Khánh và đến năm 1989 thuộc tỉnh Phú Yên.
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 22/8/2009 của Chính phủ, toàn bộ huyện Sông Cầu chuyển thành TX Sông Cầu, là đô thị loại IV. Đến ngày 4/3/2019, Bộ Xây dựng có Quyết định 234/QĐ-BXD/2019 công nhận TX Sông Cầu lên đô thị loại III.
Nhiều tiềm năng
TX Sông Cầu có núi xanh, sông xanh, xóm làng xen lẫn ruộng vườn, có đầm, vịnh nước trong xanh. Tất cả được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn và được mệnh danh là “thị xã xanh”.
Với địa hình phía tây là dãy núi cao, như núi Ông Định, núi Hòn Vung, phía bắc là đèo Cù Mông cao 245m, một nhánh của dãy Trường Sơn như con rồng khổng lồ trườn về phía biển; nơi đây ấm về mùa đông, mát về mùa hè, núi cao che chắn gió tây bắc, ít có lũ to, bão lớn. Gió đông nam là chủ đạo, mang hơi nước từ biển khơi tràn vào mát dịu, gió có độ mặn vừa phải thích nghi với đời sống của con người, cây cối xanh tươi 4 mùa.
Địa hình TX Sông Cầu chạy dài theo hai tuyến: quốc lộ 1 dài 45km từ xã Xuân Thọ 2 ra tới hầm đèo Cù Mông; quốc lộ 1D từ cầu Bình Phú qua xã Xuân Hòa, Xuân Hải đến TP Quy Nhơn. Sông Cầu còn có ĐT644 từ ngã ba Triều Sơn đi thị trấn La Hai, đấu nối với trục dọc miền Tây. Tất cả xã, phường ở đô thị này đều tiếp giáp với đường giao thông đối ngoại. Hiện tại, quốc lộ 1 chạy qua 4 phường và 7 xã, còn quốc lộ 1D thì chạy qua 3 xã; đây là đặc thù riêng của Sông Cầu mà không nơi nào có. Quốc lộ 1, 1D là 2 tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, đồng thời là trục chính toàn thành, trục cảnh quan, trục động lực về kinh tế, không gian mở và là vóc dáng cho đô thị Sông Cầu trong tương lai.
Với địa hình phía tây là đồi núi cao, phía đông là đầm, vịnh và biển Đông nhưng Sông Cầu có nguồn nước ngọt rất dồi dào. Nhà máy nước Sông Cầu lấy nước từ đập Đá Vải trên dòng sông Tam Giang trong xanh, hồ chứa nước Xuân Bình không chỉ cấp cho sản xuất nông nghiệp mà còn cung cấp cho khu dân cư và Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu.
Sở hữu hơn 80km đường biển, thiên nhiên đã ban tặng cho Sông Cầu những miền cát trắng trải dài, khi lại cong như vầng trăng khuyết cộng với vẻ đẹp thanh khiết tươi mới của những biển đảo xanh, nơi có rừng và núi xanh, những vùng đất bình dị nổi tiếng với dừa xanh.
Ở Bãi Tràm vào những năm 20 thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng những ngôi nhà biệt thự để ở và nghỉ dưỡng. Dấu tích vẫn còn đó với nền móng, tường dày xây bằng đá mà người dân quanh vùng vẫn gọi là nhà ông Mô Rô. Người Pháp không chỉ chọn Sông Cầu là tỉnh lỵ Phú Yên mà còn đặt nền móng, viên đá đầu tiên cho vùng đất du lịch, nghỉ dưỡng hôm nay.
Sông Cầu còn có đầm Cù Mông với diện tích hơn 26km2, được bao bọc bởi khối núi Cù Mông chạy dài ra biển, có nhiều phong cảnh đẹp mắt như Bãi Bầu, Bãi Rạng. Nhìn từ đèo Cù Mông, đầm Cù Mông như một dải lụa óng ả nằm xoài ra, xa xa là làng mạc ẩn hiện trong màu xanh bạt ngàn của dừa. Nơi đây có miếu Công Thần, di chỉ khảo cổ Gò Ốc. Đầm Cù Mông còn gắn liền với đồng muối Tuyết Diêm, xưa kia thương lái thường gọi là muối Cù Mông. Muối Tuyết Diêm được dùng làm nước mắm truyền thống Gành Đỏ. Theo chúng tôi nên xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu quy trình làm ra hạt muối, giới thiệu và bán sản phẩm muối cho khách du lịch khi tới tham quan đồng muối. Đầm Cù Mông còn là nơi nuôi tôm hùm, đánh bắt ghẹ cua, cá mực.
Sông Cầu đẹp có vịnh Xuân Đài, diện tích mặt nước vịnh hơn 130km2, cửa vịnh rộng 4,4km thông ra biển Đông. Vịnh được tạo thành từ dãy núi Cổ Ngựa dài khoảng 15km, như con kỳ lân khổng lồ chạy dài ra biển. Nhìn xuống từ dốc Găng, vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hài hòa và thơ mộng, một vùng non nước thắm xanh, nước xanh, núi rừng xanh, bầu trời xanh thăm thẳm. Trong vịnh có nhiều bãi tắm, nhiều đảo cực đẹp như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Năm 2011, vịnh Xuân Đài được xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Sông Cầu còn rất nhiều địa danh du lịch khác như: thác Cây Đu, hồ Xuân Bình, hầm và đèo Cù Mông, chùa chiền, miếu cổ như: chùa Triều Tôn, chùa Phước Điền, miếu Ông Cọp… Mỗi địa danh, mỗi vùng đất được thêu dệt thực thực, hư hư như những pho huyền thoại hấp dẫn, giàu lòng nhân ái.
Hình thái phát triển đô thị
Theo quy hoạch tổng thể được duyệt, đến năm 2030, TX Sông Cầu sẽ được nâng lên là TP Sông Cầu, trực thuộc tỉnh Phú Yên với 8 phường nội thị và 6 xã ngoại thị.
Đô thị Sông Cầu sẽ phát triển theo hình thái dạng chuỗi. Chuỗi 1 dọc quốc lộ 1 dài hơn 40km từ xã Xuân Thọ 2 ra đến hầm đèo Cù Mông. Chuỗi 2 dọc quốc lộ 1D dài 20km từ cầu Bình Phú ra đến hết xã Xuân Hải (giáp TP Quy Nhơn). Ông bà ta có câu “Nhất cận thị, nhì cận lộ, tam cận sông, tứ cận đồng”, mỗi căn nhà nơi đây đều hội tụ 4 yếu tố trên, nên người dân sẽ bám vào 2 trục quốc lộ để ở, đây là quy luật của tự nhiên, có muốn tránh cũng khó. Như vậy, quốc lộ 1 và quốc lộ 1D là hai trục giao thông đối ngoại, hai trục chính toàn thành.
Để đô thị Sông Cầu có đặc thù riêng về du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị xanh, theo chúng tôi, trên cơ sở quy hoạch tổng thể cần nhanh chóng quy hoạch chi tiết dọc hai bên toàn tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 1D, không phân chia quy hoạch thành từng đoạn nhỏ. Nội dung chính của đồ án quy hoạch:
Một là, xác định ranh giới đô thị trung tâm (các phường) và các đô thị vệ tinh, (trung tâm các xã) nằm dọc quốc lộ; Thiết kế mặt cắt ngang và lập quy chế quản lý kiến trúc hai bên đường các khu trung tâm.
Hai là, xác định ranh giới khu dân cư (ngoài trung tâm); Thiết kế mặt cắt ngang của đường; Khu dân cư không trực tiếp giáp quốc lộ; Nhà ở, công trình công cộng có khoảng lùi, đất rộng theo mô hình “nhà trong vườn, vườn trong phố”, hạn chế quy hoạch phân lô nhà ở liền kề, trồng nhiều cây xanh vườn nhà, cây xanh đường phố để ngăn tiếng ồn do xe chạy trên quốc lộ.
Ba là, xác định những khoảng trống dọc quốc lộ “bất kiến tạo”, có thể một bên hoặc hai bên đường. Đây là không gian mở, có tầm nhìn đẹp giáp biển, giáp đầm vịnh. Nơi vực sâu vách núi cao, cũng có thể là trạm dừng chân, bến nghinh phong hay công viên cây xanh ven đường...
Bốn là, tất cả các công trình xây dựng dọc quốc lộ 1 và quốc lộ 1D đều phải được thiết kế và cấp phép xây dựng.
Vịnh Xuân Đài còn có vị trí quốc phòng quan trọng, nước sâu, kín gió, tàu thuyền ra vào dễ dàng. Vào Thế chiến thứ 2, tàu hải chiến của phát xít Nhật tiến sâu vào vịnh, bị quân đồng minh bắn chìm. Tương lai, vịnh Xuân Đài có đường cáp treo chạy bao quanh, khi đó mới thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của danh thắng này.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG