Phát triển doanh nghiệp: 'Đòn bẩy' để tăng trưởng kinh tế
Phát triển doanh nghiệp là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, những năm qua, các ngành và địa phương ở Gia Lai rất chú trọng đến công tác này.
Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thông tin: “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng việc phát triển doanh nghiệp năm 2020 vẫn tăng trưởng cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tranh thủ chính sách ưu đãi về giá bán điện mặt trời áp mái của Chính phủ, trong khi tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo này. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phát triển trang trại gia súc, gia cầm cũng tăng đột biến. Trong năm, chỉ tính riêng đầu tư về năng lượng mặt trời áp mái đã có hơn 350 doanh nghiệp thành lập mới và gần 100 doanh nghiệp thành lập mới để đầu tư về trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vốn điều lệ các dự án này khá cao, trung bình một doanh nghiệp đầu tư điện áp mái khoảng 6-7 tỷ đồng, đầu tư trang trại nuôi heo trên 20 tỷ đồng”.
Đặc biệt, kể từ năm 2016, Chính phủ có những cơ chế, chính sách quyết liệt về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp mới đã thành lập, tranh thủ cơ hội để khởi nghiệp, mở rộng phát triển. Thông qua hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, bình quân hàng năm chiếm khoảng 40-45% tổng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 85.500 người.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của các nhà quản lý doanh nghiệp dân doanh đã được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh đối với các ngành mang tính ổn định lâu dài như: xây dựng thủy điện, trồng cao su, chế biến nông sản, thực phẩm, tổ hợp trung tâm thương mại-dịch vụ, khu dân cư đô thị, công nghiệp chế biến khoáng sản, hạ tầng khu cụm công nghiệp... Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, vươn ra cả thị trường nước ngoài như: Tập đoàn Khoa học quốc tế Trường Sinh; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai…
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 3.944 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bình quân hàng năm có khoảng 790 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Riêng năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.150 với tổng vốn 9.150 tỷ đồng, nâng số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 31-12-2020 là 7.008 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 111.300 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng vừa ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.
“Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, với cách làm công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn hơn nhiều so với luật định. Thời gian trả kết quả đối với hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trung bình chỉ 0,5 ngày/hồ sơ, rút ngắn 2,5 ngày theo quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp; đối với hồ sơ đăng ký thay đổi 1 nội dung, tạm ngừng hoạt động, công bố mẫu dấu và bổ sung, thay đổi thông tin về thuế, doanh nghiệp được lấy kết quả ngay khi nộp hồ sơ hợp lệ. Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập để hoạt động sản xuất-kinh doanh hiệu quả”-ông Phước cho biết thêm.