Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Việc phát triển doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN) mở ra nhiều cơ hội để DN ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, số lượng DN KH&CN ở tỉnh Bắc Giang còn ít so với tiềm năng.
Từ nghiên cứu đến thực tiễn
Công ty TNHH một thành viên Thiên An (trụ sở tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu và hóa mỹ phẩm. Năm 2020, Công ty thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển vùng trồng cây dược liệu (hương thảo). Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Sau khi đề tài phát triển vùng trồng cây dược liệu thành công, trên cơ sở nghiên cứu, trồng thử nghiệm, Công ty đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu tại các huyện Tân Yên, Lục Nam và một số huyện thuộc tỉnh Thái Bình với quy mô khoảng 20 ha. Công ty đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường như nước rửa chén, dầu gội phủ bạc, serum mọc tóc. Với kết quả này, tháng 4/2022, Công ty được Sở KH&CN chứng nhận là DN KH&CN.
Năm 2023, Công ty Thiên An tiếp tục nghiên cứu, thực hiện hai dự án KH&CN. Đó là dự án “Viên rửa chén hương thảo GITABON” và “Hệ thống tự động hỗ trợ khởi nghiệp (star up) về phân tích chi phí, hiệu quả đầu tư, quản lý quy trình sản suất, tự động kết nối cung-cầu”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cố vấn Công ty cho biết, dự án khởi nghiệp năm 2023 có nhiều ưu việt hơn so với dự án năm 2020. Hệ thống tự động hỗ trợ khởi nghiệp có khả năng hỗ trợ toàn diện cho các DN, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Phiên bản mới bổ sung nhiều chức năng như hỗ trợ khởi nghiệp, có chuyên gia tư vấn, tự động kết nối cung-cầu…
Đối với dự án “Viên rửa chén hương thảo GITABON”, Công ty đã tìm được đối tác kinh doanh, chuẩn bị cung cấp ra thị trường sản phẩm viên rửa chén tiện lợi. Ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như trà túi lọc, mù tạt có nguyên liệu chính từ cây hương thảo. Cũng từ quá trình nghiên cứu KH&CN, Công ty làm ra sản phẩm tinh dầu nước hoa xe hơi xuất khẩu sang Mỹ. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu gần 1 nghìn hộp tinh dầu, sản phẩm này đang được bán trên sàn thương mại quốc tế.
Tháng 5/2023, Công ty TNHH Môi trường mới Bắc Giang (Sơn Động) được Sở KH&CN chứng nhận là DN KH&CN. Công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như cơ khí, môi trường, xây dựng. DN đã có nhiều sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN như dây chuyền nghiền cát nhân tạo, dây chuyền xử lý rác thải không khói, hệ thống xử lý rác sinh hơi và thiết bị xử lý rác thải y tế cao tần. Từ giữa năm 2022 đến nay, doanh thu của Công ty đạt gần 4 tỷ đồng nhờ chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu. Do khó khăn về vốn, mặt bằng, cơ chế nên các dây chuyền liên quan đến xử lý rác thải mới dừng lại ở việc thử nghiệm.
Trợ lực cho DN
Toàn tỉnh hiện có 20 DN KH&CN. Các DN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất nông nghiệp sạch, dược phẩm, sản xuất thuốc thú y, nước sạch, chế biến thực phẩm, nông lâm thủy sản... Đây là con số khiêm tốn so với tổng số hơn 15 nghìn DN đang hoạt động trên địa bàn.
Theo Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường Công nghệ (Sở KH&CN), nguyên nhân của tình trạng trên do phần lớn DN của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, chưa mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Để được công nhận là DN KH&CN cần nhiều thủ tục, quy định, phải chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu, giới thiệu quá trình ươm tạo làm chủ công nghệ, đòi hỏi phải chia sẻ bí quyết công nghệ...
Hiện toàn tỉnh có 20 DN KH&CN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất nông nghiệp sạch, dược phẩm, sản xuất thuốc thú y, nước sạch, chế biến thực phẩm, nông lâm thủy sản... Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 25-30 đơn vị được chứng nhận là DN KH&CN.
Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ, DN KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể là miễn hoặc giảm thuế thu nhập, tiền thuê đất, thuê mặt bằng; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN… Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các DN KH&CN trên địa bàn chưa được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, các khoản vay tín dụng.
Ông Phạm Quang Đạo, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường mới Bắc Giang cho biết, để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế, DN cần nguồn kinh phí lớn (so với khả năng của Công ty) nhưng chưa được hưởng các nguồn vay ưu đãi; DN cũng chưa có quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà máy. Một số đơn vị như Công ty TNHH một thành viên Thiên An, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại HHK, Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang… gặp khó khăn chung là thiếu nguồn nhân lực chất lượng, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học còn hạn chế.
Năm nay, Sở KH&CN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh phân bổ 200 triệu đồng để hỗ trợ các DN KH&CN đổi mới sáng tạo. Sở đã gửi thông báo đến Hiệp hội DN tỉnh, các DN KH&CN, UBND các huyện, TP để tìm kiếm đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thấp, DN cần đối ứng 50%, đấu thầu lựa chọn nhà tư vấn nên hiện chưa có đơn vị nào gửi hồ sơ. Sở KH&CN đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Chính phủ có những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là thủ tục liên quan đến tài chính.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chứng nhận là DN KH&CN cho đơn vị đủ điều kiện. Tổ chức hội nghị, hội thảo, cung cấp tài liệu, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ; tổ chức triển lãm sáng chế, trưng bày các sản phẩm KH&CN có khả năng thương mại hóa.
Bài, ảnh: Mạc Yến