Phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(Ảnh chụp trước 27/4)
Kết quả, tỉnh ta đã mở 66 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 2.300 học viên cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS); mở 176 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho hơn 5.800 học viên; đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh 47 lớp, với hơn 1.700 học viên; đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch công chức 44 lớp, với gần 2.300 học viên; tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và 2021-2026 cấp tỉnh và cấp huyện cho 1.055 cán bộ. Tập huấn công tác Đảng, công tác chính quyền cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố cho 5.621 học viên.
Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo hài hòa về cơ cấu dân tộc. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo là dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020, cán bộ lãnh đạo diện Tỉnh ủy quản lý có 460 đồng chí, trong đó có 158 đồng chí người dân tộc thiểu số (chiếm 34,35%); cán bộ lãnh đạo diện huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quản lý có 5.192 đồng chí, trong đó có 3.022 đồng chí người dân tộc thiểu số (chiếm 58,2%). Cán bộ lãnh đạo diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh quản lý có 636 đồng chí, trong đó có 146 đồng chí người dân tộc thiểu số (chiếm 22,95%). Những con số trên cho thấy, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người DTTS thời gian qua được tỉnh quan tâm, chú trọng, tạo sự hài hòa trong cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở, sự bình đẳng giữa các dân tộc vì mục tiêu phát triển của tỉnh.
Tìm hiểu công tác đào tạo cán bộ người DTTS ở xã Mường Bám, huyện Thuận Châu. Đồng chí Lò Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trong 5 năm, có 8 đồng chí được đào tạo về chuyên môn, 5 đồng chí được đào tạo lý luận chính trị; ngoài ra, cán bộ các ban, ngành đoàn thể từ xã đến bản đều được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức xã có trình độ học vấn 12/12 đạt 81,18%, có trình độ trung cấp chính trị trở lên đạt 70,83%, có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên đạt 87,5%. Cán bộ bán chuyên trách có 100% trình độ trung cấp chính trị, 100% có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên...
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nên việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ DTTS của một số cơ quan, đơn vị, ngành chưa thật sự hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo được tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, công chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS còn hạn chế về quy mô, cơ cấu đào tạo, khả năng tiếp cận tri thức, kỹ năng của người học. Việc sử dụng, bố trí việc làm cho các em các dân tộc thiểu số sau khi ra trường còn lúng túng, chưa phù hợp với trình độ, năng lực của các em được đào tạo. Chế độ đãi ngộ các em học sinh người dân tộc thiểu số trong đào tạo và bố trí, sử dụng sau khi ra trường chưa bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế...
Trong bước đi tiếp theo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách về phát triển quy mô và nâng cao chất lượng dân số, các chính sách về chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, phân bổ, sử dụng nhân lực và các chính sách khuyến khích, động viên người lao động là DTTS tự lực vươn lên. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS nói riêng làm cơ sở để bổ sung nguồn cán bộ, công chức kịp thời, có chất lượng, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.