Phát triển đội ngũ sáng tác trẻ: 'Tre già nhưng măng chưa mọc'

'Những cây viết trẻ họ đang ở đâu?', trong các hội thảo văn chương nhiều người thường đưa ra câu hỏi đó như một trăn trở, ngóng trông những 'mầm xanh nghệ thuật'...

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiện có trên 130 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội, trong đó Phân hội văn học chiếm số lượng đông đảo nhất (54 hội viên). Mặc dù nhiều năm qua, Hội luôn quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những cây bút trẻ; nhưng lực lượng đội ngũ trẻ còn ít, chiếm gần 30%.

Phân hội văn học hiện nay có 54 hội viên. Hầu hết các hội viên đều trên 60 tuổi. Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân Hội văn học chia sẻ, đang có tình trạng “tre già, măng chưa mọc”, lực lượng sáng tác trẻ hiện nay chưa nhiều. Quanh đi quẩn lại cũng những cái tên quen thuộc: Huyền Nhung, Dương Đình Lộc... Họ đã khẳng định được bút pháp riêng nhưng số lượng tác phẩm được in thành ấn phẩm còn ít, chủ yếu là đăng báo hoặc in chung. Một số hội viên còn mải miết theo con đường sự nghiệp riêng mà dần lãng quên sự nghiệp sáng tác văn chương.

Nhà thơ Ngọc Hiệp, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trong một buổi sinh hoạt vớichủ đề “Thơ văn và tình yêu” do sinh viên Khoa Văn truyền thông, Đại học Tân Trào tổ chức.

Với tổng số hội viên khá ít ỏi (10 hội viên), trong năm qua, Phân hội âm nhạc tổ chức một trại sáng tác âm nhạc có sự tham gia của một vài gương mặt trẻ như: Lê Tuấn Ngọc, Quang Thủy, Phan Anh... Một điều dễ nhận thấy ngay khi kết thúc trại sáng tác dường như các tác giả trẻ đều “lùi về ở ẩn”... Tài năng không được rèn giũa, trau chuốt thường xuyên nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như sức sáng tác.

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự già hóa đội ngũ sáng tác, nhiều tác giả cho rằng, theo xu hướng hiện nay, lớp trẻ thường chọn ngành nghề theo các môn khoa học tự nhiên, ít mặn mà với khối xã hội. Không kể đến một số người được đào tạo bài bản các chuyên ngành văn học - nghệ thuật chưa thực sự mặn mà tâm huyết với sự nghiệp sáng tác.

Trong những năm qua, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã mở nhiều trại sáng tác thu hút đông đảo hội viên, cộng tác viên tham gia, tạo sự lôi cuốn, hăng say trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Ngọc Hiệp, một “lão làng” trên văn đàn xứ Tuyên cho biết, để phát hiện những cây bút mới, Hội cần tổ chức các cuộc thi sáng tác, trại sáng tác, lớp tập huấn, những cuộc hội thảo xung quanh việc phát triển đội ngũ sáng tác trẻ trong tỉnh. Bên cạnh đó, Báo Tân Trào cần có đội ngũ biên tập tâm huyết với lớp trẻ để đăng tải kịp thời sáng tác cũng như có những bài phê bình, đánh giá xác đáng.

Nhiều người nói, sáng tác nghệ thuật là năng khiếu, tài năng, không phải ai muốn cũng thành. Sáng tác là lao động rất đặc thù trong đó đòi hỏi cao về năng khiếu. Thế nhưng, không có nghĩa là cứ để tài năng phát triển tự nhiên, kiểu hạt tự mọc thành cây, cây sẽ ra hoa ra quả. Do đó, những lớp người đi trước cần phải có tâm huyết để dìu dắt những cây viết trẻ, thu hút họ đến với con đường nghệ thuật một cách tự nguyện. Nói về điểm yếu của các nhà văn trẻ, Dương Đình Lộc một cây viết trẻ nhìn nhận: “Vốn sống, kinh nghiệm, hiểu biết và cả sự dấn thân là những điều những người viết trẻ hiện nay đang còn thiếu. Nhiều tác giả trẻ nhận ra rất nhiều vấn đề trong cuộc sống xung quanh nhưng do thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm viết khiến tác phẩm vẫn còn nhạt. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng, dìu dắt của thế hệ đi trước chính là động lực để giúp nhà văn trẻ thành công”.

Tuy nhiên, ngoài tài năng, chính các cây bút trẻ cũng cần có niềm đam mê và sự tự ý thức thì mới thành công được. Tác giả Huyền Nhung cho biết, tác giả trẻ luôn phải hiểu, sáng tạo nghệ thuật là phải lao động thực sự với từng con chữ, trăn trở với từng số phận, cuộc đời nhân vật có như thế tác phẩm mới thành công được.

Phản ánh hiện thực đời sống hôm nay là nhiệm vụ của đội ngũ những người sáng tác, trong đó rất cần sự xung kích của những cây bút trẻ.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/phat-trien-doi-ngu-sang-tac-tre-tre-gia-nhung-mang-chua-moc-124112.html