Phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn

Gần 377 ngàn tỷ đồng là tổng nguồn lực đã được đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở Đồng Nai giai đoạn 2011-2019. Trong đó, ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và của người dân.

Tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Ngày nay, đến các xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao của Đồng Nai, ngay cả những tuyến đường xóm, ấp, đường nội đồng hầu như đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Đường vào các xóm, ấp đều có đèn chiếu sáng, hai bên đường trồng hoa và cây xanh… Điều đáng quý là người dân rất tích cực hưởng ứng trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

* Đầu tư đồng bộ

Trong đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn được tỉnh đầu tư đồng bộ. Đây là một trong những điểm nổi bật trong xây dựng NTM của Đồng Nai.

Giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được trên 3,8 ngàn km đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên gần 2 ngàn km đường; diện mạo, cảnh quan dọc các tuyến đường được quan tâm chỉnh trang. Hệ thống điện đã đến tất cả các xã, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Những vùng quê nghèo trên đất Đồng Nai không ngừng thay da đổi thịt nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân...

Ông Võ Văn Thành, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Hưng Lộc tập trung đông dân tộc thiểu số, chủ yếu trồng hoa màu nên thu nhập thấp. Việc góp tiền làm đường giao thông, kéo điện ra đồng phục vụ sản xuất là điều ngoài khả năng của nhiều hộ gia đình. Nhưng nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã khuyến khích nông dân đồng lòng tham gia”.

Chỉ ra ý nghĩa của việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế nông thôn, ông Vòng Vĩnh Ốn - già làng uy tín của xã Bàu Sen (TP.Long Khánh) so sánh: “Khi những tuyến đường nhựa, đường điện được đầu tư về tận cánh đồng, nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất để có thu nhập cao. Nông sản ở vùng sâu không còn cảnh bị ép giá nông sản vì vận chuyển khó khăn”.

* Giữ nông thôn khang trang, sạch đẹp

Với phương châm “xây dựng NTM không có điểm dừng”, UBND tỉnh không chỉ sớm ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu với nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn hẳn mặt bằng chung cả nước mà tỉnh còn đang hướng tới xây dựng các xã NTM kiểu mẫu.

Trường học đạt chuẩn quốc gia tại xã vùng sâu Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Trường học đạt chuẩn quốc gia tại xã vùng sâu Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Trong mục tiêu không ngừng nâng chất trong xây dựng NTM, tỉnh rất chú trọng đến việc rà soát lại thực trạng các tiêu chí NTM đã đạt được, nhất là với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí cũ giai đoạn 2011-2015. Đây là cơ sở để các địa phương đưa ra những giải pháp đảm bảo nâng cao chất lượng và tính bền vững của NTM.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh chia sẻ, là một trong 4 địa phương được chọn thực hiện thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của cả nước, Xuân Lộc đang tập trung thực hiện duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu ở cấp xã, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu cấp huyện. Nhằm đạt mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, Xuân Lộc rất quan tâm đầu tư, thực hiện một số dự án về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn; tiếp tục đưa điện lưới đến các vùng sản xuất. Ngoài ra, thu hút đầu tư cho thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu được đặc biệt quan tâm.

Trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Vĩnh Cửu đã huy động được hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa chiếm 90,5%. Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, địa phương đã thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” khi triển khai thực hiện các công trình bằng nguồn vốn nhà nước và vốn xã hội hóa. Công trình sau khi hoàn thành được tổ chức công bố công khai, minh bạch các nguồn thu, tạo được lòng tin trong toàn thể nhân dân. “Điều đáng quý là ý thức giữ vệ sinh môi trường xung quanh của từng hộ dân rất cao, tạo được nếp sinh hoạt giữ gìn vệ sinh sạch đẹp từ trong nhà ra ngoài ngõ” - ông Phước nói.

Khi trực tiếp về Đồng Nai khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông vào cuối tháng 6-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhận định: “Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá... Tỉnh cũng đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư mới, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có; nhất là thu hút được doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/nong-thon-moi/201912/phat-trien-dong-bo-ha-tang-nong-thon-2976755/