Phát triển du lịch, bảo tồn di sản và 'lỗ hổng' trong thượng tôn pháp luật

Phố 'cà phê đường tàu' hay khách sạn mọc trên di sản cho thấy nhận thức pháp luật của người dân và cả cấp quản lý đang có sự hạn chế...

Người dân và du khách nước ngoài bất chấp sự an toàn, ngồi thưởng thức cà phê ngay giữa đường tàu qua Hà Nội - Ảnh minh họa

Người dân và du khách nước ngoài bất chấp sự an toàn, ngồi thưởng thức cà phê ngay giữa đường tàu qua Hà Nội - Ảnh minh họa

Từ “cà phê đường tàu” độc đáo trong hiểm nguy…

Có thể nhận định, “cà phê đường tàu” trên đoạn đường tàu đang khai thác dọc phố Phùng Hưng (Hà Nội) là hiện tượng bộc phát, có sức thu hút đối với một số người. Trong đó, không ít du khách nước ngoài hiếu kỳ cũng đến đây thưởng ngoạn.

Phần vì có thể họ lầm tưởng đó là các hoạt động được cho phép ở Hà Nội, phần vì họ đã và sẽ không bao giờ có được những “trải nghiệm” uống cà phê trên đường tàu ở nước họ. Do đó, khi đến đây, họ tranh thủ thưởng thức rồi chụp vài tấm hình, lưu lại kỷ niệm “có một không hai” trong cuộc đời.

Nếu xét “cà phê đường tàu” trên phương diện là một hiện tượng, dưới góc độ hành chính, các cơ quan tham mưu cho UBND TP. Hà Nội cần có sự nhìn nhận chính thức để báo cáo và đề xuất xử lý. Được biết, sau khi tiếp nhận thông tin về sự mất an toàn tại “xóm cà phê” này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị TP. Hà Nội có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo ATGT đường sắt theo đúng quy định của pháp luật.

Ở khía cạnh khác, một số người làm mảng du lịch lại cho rằng, du lịch cần tạo ra điểm nhấn thu hút, “cà phê đường tàu” được coi như điểm nhấn tại Hà Nội thì cần đề xuất phương án đảm bảo cho hiện tượng này được diễn ra một cách chính thức thay vì ngăn cấm.

Thiết nghĩ, dù “cà phê đường tàu” có là mô hình du lịch mới, sáng tạo, hiệu quả, có tầm thế giới thì đảm bảo ATGT vẫn là việc cần làm trước nhất, tính mạng con người phải là trên hết. Sau đó, một dự án nghiên cứu thiết lập địa điểm du lịch phải được lập và thực hiện nghiêm túc, gửi cấp có thẩm quuyền là UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định có nên lồng ghép yếu tố du lịch tại khu vực đường ray hay không.

Việc tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô là cần thiết, nhưng không thể diễn ra tự phát và tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời điểm hiện tại.

Sự tồn tại của khách sạn 7 tầng trên đỉnh Mã Pí Lèng thuộc di sản cao nguyên đá Đồng Văn khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự thượng tôn pháp luật - Ảnh minh họa

Sự tồn tại của khách sạn 7 tầng trên đỉnh Mã Pí Lèng thuộc di sản cao nguyên đá Đồng Văn khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự thượng tôn pháp luật - Ảnh minh họa

…đến “chiếc gai bê tông” ung dung thành hình trên đỉnh Mã Pí Lèng

Đối với khách sạn Panorama Mã Pí Lèng “mọc” ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang - “Công viên địa chất toàn cầu” đã được UNESCO công nhận vào tháng 12/2010 và công nhận lại vào cuối năm 2014, sau khi tiếp nhận thông tin về công trình được nhiều người gọi là cái “gai bê tông” trên đỉnh di sản, UBND tỉnh Hà Giang đang tổ chức đoàn kiểm tra về sự tuân thủ pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng tại công trình này.

Thiết nghĩ, để kết luận đúng/sai được đảm bảo khách quan, Sở GTVT Hà Giang cần làm rõ một số nội dung như: tuyến đường đang tồn tại công trình khách sạn Panaroma hiện là đường cấp 6 miền núi đã có quyết định phê duyệt hoặc kế hoạch nâng cấp mở rộng của các cấp thẩm quyền chưa? Công trình xây dựng có vi phạm hành lang sử dụng đất, bao gồm hành lang an toàn đường bộ của của tuyến đường hiện tại và theo quy hoạch được duyệt hay không? Các vị trí (bãi) đỗ xe ra - vào khách sạn có được bố trí riêng biệt, không vi phạm hành lang ATGT đường bộ và không ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện trên đường?

Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Hà Giang trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các sở, ban ngành, huyện Mèo Vạc, ngoài việc kết luận đúng/sai cũng cần đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp, xem xét sự liên quan của các cấp chức năng trong quá trình xây dựng công trình trong gần hai năm qua.

Dù kết luận cuối cùng có thể là dỡ bỏ, dỡ bỏ một phần hoặc cho tồn tại thì cơ quan chức năng vẫn phải bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện qua các việc như: Hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các phần công trình được phép giữ lại (nếu có); Phải có sự phê duyệt lại và thực thi các nội dung điều chỉnh cần thiết về kiến trúc, công năng, môi trường và ATGT theo các tiêu chí được cấp thẩm quyền quy định để phù hợp với vị trí “độc nhất vô nhị” trên “công viên địa chất toàn cầu” của dự án.

Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền cần tạm dừng khai thác đối với công trình khách sạn hiện hữu cho đến khi chủ đầu tư và các bên liên quan thực hiện xong các nội dung nêu trên. Khi tường minh được tất cả các vấn đề, công tác xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng cần được tiến hành không chỉ nội bộ mà phải thông báo rộng rãi để rút kinh nghiệm và ngăn chặn những sự việc tương tự trong tương lai.

Hai “điểm nóng” trên dù khác nhau về không gian, bản chất sự việc nhưng xét đến cùng, nó lại là điển hình khiến tôi và rất nhiều người trăn trở, phải chăng chúng ta đang có những vấn đề thiếu chặt chẽ trong nhận thức và thực thi pháp luật để rồi công tác quản lý vẫn tồn tại những lỗ hổng và những cái “gai” làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nghiêm trọng hơn là hình ảnh của một đất nước thượng tôn pháp luật như Việt Nam?

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KH-KT cầu đường Việt Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-trien-du-lich-bao-ton-di-san-va-lo-hong-trong-thuong-ton-phap-luat-d437664.html