Phát triển du lịch bền vững góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
Xu hướng du lịch xanh ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp du lịch và khách du lịch khắp thế giới. Có thể kể đến một số xu hướng du lịch xanh như bảo tồn và tái chế, sử dụng nguồn năng lượng xanh và hỗ trợ các dự án bảo tồn thiên nhiên, du lịch thân thiện môi trường, du lịch thiền và tâm linh, du lịch cộng đồng…
Đối với Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, thành viên Tập đoàn TTC), phát triển du lịch xanh, bền vững là một phần trong chiến lược kinh doanh. Đặc biệt đối với TTC World - Thung lũng Tình yêu và TTC World - Tà Cú, hai điểm đến tại hai vùng xanh của tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận với sự đa dạng hệ động - thực vật thì việc bảo tồn rừng, vùng xanh và đa dạng sinh học nơi đây là một trong những chủ đề quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của TTC Hospitality.
Hệ thống cáp treo dài 1.600m tại TTC World - Tà Cú đưa du khách băng qua thảm rừng xanh đến chiêm bái tượng Phật nằm trên đỉnh núi.
Xác định phát triển du lịch có thể tác động tích cực đến phát triển bền vững của rừng, cây xanh, và bảo tồn thiên nhiên, TTC Hospitality đã tác động trên cả hai mặt nội lực và ngoại lực, bao gồm những chính sách về quản lý và nâng cao nhận thức về môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương đến cán bộ nhân viên cũng như kêu gọi sự hưởng ứng từ người dân địa phương.
Thêm mảng xanh phục vụ du lịch
Tại TTC World - Thung lũng Tình yêu, hàng năm đều có những chương trình trồng cây nhằm gia tăng số lượng cây rừng cũng như mảng xanh phục vụ mục đích du lịch, đồng thời đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng thực hiện kế hoạch 2209 trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, TTC World - Thung lũng Tình yêu tổ chức trồng cây xanh vào những ngày lễ kỷ niệm như: Mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5), chương trình thiện nguyện Gieo mầm yêu thương (tháng 8), mừng kỷ niệm ngày thành lập TTC Lâm Đồng (29.11) và cùng UBND phường 8, thành phố Đà Lạt trồng cây phủ xanh thành phố và duy trì cảnh quan tự nhiên…
TTC World - Thung lũng Tình yêu trồng cây vào những ngày kỷ niệm trong năm nhằm xanh hóa khu du lịch.
Đến thời điểm hiện tại, TTC World - Thung lũng Tình yêu có trên 200 loại cây xanh với tổng số lượng gần 300 ngàn cây. Vì vậy, TTC World - Thung lũng Tình yêu không chỉ là khu du lịch lâu đời, nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt với nhiều hạng mục vui chơi mà còn là điểm đến lãng mạn với mảng xanh tươi tốt. Đặc biệt, trong những chương trình đồng hành cùng các giải chạy marathon được tổ chức tại TTC World - Thung lũng Tình yêu, khu du lịch cùng Ban tổ chức các cuộc thi còn tham gia tích cực vào việc trồng cây tại khu du lịch, điều này không chỉ tạo ra một không gian đẹp mắt mà còn đóng góp vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
TTC World - Thung lũng Tình yêu hiện có gần 60 hạng mục cảnh quan cho du khách tham quan và trải nghiệm, nhưng việc xây dựng hạ tầng và cải tạo đều đảm bảo hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và tuyệt đối không ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển rừng thông tự nhiên tại khu du lịch.
TTC World - Thung lũng Tình yêu đầu tư nhiều hạng mục cảnh quan nhưng vẫn đảm bảo duy trì mảng xanh tại khu du lịch.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Khu du lịch TTC World - Tà Cú tọa lạc tại núi Tà Cú - thắng cảnh quốc gia của tỉnh Bình Thuận. Núi Tà Cú không chỉ nổi tiếng với không gian hùng vĩ và nên thơ mà còn được biết đến là khu vực đa dạng sinh học với hệ động và thực vật phong phú.
Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học năm 1996 do Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ thực hiện và Kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học do Ủy ban IUCN của Hà Lan tài trợ, thực vật tại Tà Cú đa dạng hệ sinh thái, loài, nguồn gen với khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao, trong đó có ít nhất 33 loài thực vật được ghi tên trong Danh lục đỏ thế giới (2009) và/hoặc Sách Đỏ Việt Nam (2007) như: Gõ đỏ, Vên vên, Thiên tuế, Xây…
Ngoài ra, tại Tà Cú có ít nhất 79 loài thuộc 43 họ thực vật được người dân sử dụng làm thực phẩm; Hơn 300 loài cây có thể làm dược liệu, trong đó có 07 loài cây thuốc đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục các loài bị nguy cấp của IUCN (2007), 05 loài có tên trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006).
Tại Tà Cú cũng ghi nhận có 287 loài động vật và gần 200 loài côn trùng, trong đó có ít nhất 32 loài động vật quý hiếm và nguy cấp như: Chà vá chân đen, Voọc bạc Trường Sơn, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi dài, Gà lôi hồng tía, Gà tiền mặt đỏ, Kỳ đà hoa, Cua đinh, Ếch giun…
Riêng tại khuôn viên TTC World - Tà Cú dưới chân núi, khu du lịch đã trồng thêm 4 loại cây với số lượng gần 1.200 cây. Điều này góp phần tạo thêm mảng xanh khu vực dưới núi và mang đến không gian vui chơi giải trí gần gũi thiên nhiên cho du khách. Theo định hướng, TTC World - Tà Cú sẽ phát triển du lịch sinh thái - tâm linh, vì vậy việc duy trì sự đa dạng thảm thực vật cũng là một phần trong chiến lược phát triển của khu du lịch.
Việc bảo tồn và bảo vệ sự đa dạng sinh học tại đây không chỉ là một nhiệm vụ địa phương mà còn mang giá trị quốc tế về bảo tồn động vật quý hiếm và môi trường tự nhiên. Phát triển các mô hình/sản phẩm du lịch mới, TTC World - Tà Cú đều đặt trên nền tảng bảo tồn yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa. Cụ thể, các phương tiện di chuyển tại Tà Cú ưu tiên vận chuyển xanh đảm bảo hạn chế khí thải. Đặc biệt, đào tạo đội ngũ nhân sự và tạo nhận thức cho du khách về quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương cũng được TTC World - Tà Cú xem trọng.
Thông qua việc tạo ra những trải nghiệm du lịch thú vị và đảm bảo sự bảo tồn và bảo vệ môi trường tự nhiên, TTC Hospitality hy vọng rằng du lịch xanh sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho mọi người, đánh thức sự nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường, đồng thời cùng nhau phát triển du lịch bền vững vì một hành tinh xanh.