Phát triển du lịch bền vững từ mô hình Công viên địa chất toàn cầu

'Phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn nguyên vẹn màu xanh của thiên nhiên, lấy các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống cách mạng làm giá trị cốt lõi, xem đó là yếu tố khác biệt để định vị các sản phẩm du lịch riêng có của địa phương'.

Bài liên quan

Du lịch Cao Bằng - Định vị thương hiệu, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Mục tiêu ấy đang được tỉnh Cao Bằng hiện thực hóa một cách mạnh mẽ, khởi đầu từ mô hình Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Bắt cơ hội từ vinh dự lớn

Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận CVĐC Non Nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu UNESCO. Trước đó, trên thế giới, chỉ có khoảng 35 quốc gia có CVĐC toàn cầu và tại Việt Nam, mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn được nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Giờ phút ấy, cả miền non nước Cao Bằng đã vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc quá lớn khi sự công nhận của UNESCO là cơ hội có một không hai để du lịch Cao Bằng định hình và quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu của mình.

Nhưng cơ hội lớn chỉ trở nên có ý nghĩa lớn khi biết nắm bắt lấy nó. Nhận thức rõ điều đó, ngay sau những ngày vui, Cao Bằng đã bắt tay ngay vào việc phát huy tiềm năng của CVĐC UNESCO Non Nước Cao Bằng, bắt đầu ngay từ những hành động hết sức cụ thể. Đơn cử như việc ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã khảo sát, rà soát, bổ sung, thay thế, lắp mới cho các biển bảng thuyết minh, quảng bá, biển thông tin (PIGP), biển đối tác (GP), biển chỉ dẫn các điểm di sản trên 03 tuyến du lịch trong vùng CVĐC theo sự tư vấn từ chuyên gia UNESCO; Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng phát triển các sản phẩm có gắn lô-gô CVĐC như giảo cổ lam, chè Kolia, hương thơm (làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên), miến dong (huyện Nguyên Bình), sản phẩm dệt thổ cẩm (xóm Lũng Nọi, huyện Hà Quảng) thổ cẩm in hoa văn sáp ong của đồng bào Dao Tiền… Cùng với đó, tỉnh đã cho nâng cấp, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng vùng CVĐC toàn cầu như xây kè bảo vệ điểm di sản địa chất cúc đá hóa thạch (Lũng Luông, Kéo Yên, Hà Quảng); hoàn thành tuyến đường đi bộ vào điểm di sản khu vực núi Mắt thần (Nặm Chá, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh); sắp xếp lại các ki - ốt bán hàng ở khu vực ngã ba lán Khuổi Nặm thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó. Tỉnh đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch khu Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình; cải tạo, sửa chữa đường tỉnh lộ 202 (đoạn từ QL34 vào Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình)...

Từ hiệu ứng của CVĐC UNESCO Non Nước Cao Bằng, các hoạt động hợp tác, xúc tiến quảng bá cũng được tỉnh đẩy mạnh như việc đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần 10; tổ chức Lễ hội Về nguồn Pác Bó; nâng cấp Lễ hội Thanh Minh tại Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) thành Lễ hội gắn kết làng nghề truyền thống; tổ chức Cuộc thi “Ảnh đẹp Công viên địa chất và du lịch Cao Bằng”…

Thành quả đáng ghi nhận bước đầu đã đến sau những nỗ lực. Không thể phủ nhận sức hút của CVĐC UNESCO Non Nước Cao Bằng đã là yếu tố nổi bật góp phần làm nên con số ấn tượng: trên 1.200.000 lượt khách tới Cao Bằng trong năm 2018 vừa qua, tăng 29,2% so với năm 2017, trong đó, khách quốc tế đạt hơn 113.000 lượt (tăng 90% so với năm 2017). Hơn cả những con số, việc CVĐC Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch. Công tác quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường dần được quan tâm, cải thiện. Người dân tích cực hỗ trợ giữ gìn cảnh quan môi trường, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch, quản lý giá cả…

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - Cao Bằng.

Vượt thử thách…

Rõ ràng, việc CVĐC non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận danh hiệu toàn cầu đã và đang hỗ trợ rất hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Cao Bằng, đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sinh kế cho người dân địa phương. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa mọi giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch, tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai mô hình mới, không thể không thừa nhận việc xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO ở Cao Bằng đã gặp không ít khó khăn, bất cập. Là một mô hình mới mẻ ở Việt Nam, chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy, đối với Cao Bằng, nội dung xây dựng CVĐC là một nhiệm vụ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, để đảm bảo việc xây dựng, phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí, định hướng của UNESCO, góp phần phát huy hiệu quả giá trị của mô hình CVĐC gắn với phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn của tổ chức UNESCO và mạng lưới CVĐC toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần một nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi Cao Bằng là một tỉnh miền núi nghèo, nhận thức về du lịch và xây dựng CVĐC gắn với phát triển du lịch còn hạn chế thì đây là một trong những khó khăn của Cao Bằng.

Hang Pác Pó, Cao Bằng - Ảnh: Nam Trần

Tại Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO” do UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hồi tháng 5/2019, ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng bày tỏ tỉnh Cao Bằng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các bộ, ngành, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, sự giúp đỡ của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế tư vấn cho Cao Bằng kế hoạch xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Trước đó, đánh giá nỗ lực của Cao Bằng trong việc khai thác lợi thế tự nhiên, phát triển du lịch bền vững, ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cũng đã chia sẻ kinh nghiệm: “CVĐC có tiềm năng về phát triển du lịch rất là lớn, nhưng chúng ta cũng cần phải gắn kết những sự phát triển hướng tới phát triển du lịch bền vững, bởi vì đây là một quần thể bao gồm những yếu tố vừa về địa chất, vừa về văn hóa, cảnh quan, cộng đồng đang sống trong và xung quanh khu vực, thế nên đấy phải là sự kết hợp hài hòa, phát triển lồng ghép”. Ông Guy Martini - Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO nhấn mạnh, CVĐC toàn cầu là bảo tàng mở, chứa đựng giá trị địa chất, di sản, văn hóa, tự nhiên mang tầm cỡ quốc tế, để CVĐC phát triển bền vững, cần có sự tham gia của người dân. Các nhà quản lý cần tạo điều kiện cho người dân địa phương được tham gia, hưởng lợi từ CVĐC toàn cầu thông qua phát triển du lịch. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương lòng tự hào về CVĐC toàn cầu, nâng cao ý thức bảo vệ di sản.

Đại diện Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO Non nước Cao Bằng ký kết hợp tác phát triển với đại diện Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN

Kỳ vọng đột phá

Nhưng thử thách dường như không thể làm chùn bước con người và chính quyền ở vùng đất cách mạng kiên cường năm xưa. Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch, Cao Bằng luôn xác định du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng đã ban hành riêng một chương trình về phát triển du lịch với mục tiêu: Đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch Cao Bằng với những đặc trưng riêng biệt; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sản phẩm đa dạng, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến của khu vực phía Bắc và cả nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm tạo thương hiệu, tạo sức đột phá cho du lịch Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng coi CVĐC là một nhân tố quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Ông Trương Thế Vinh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho biết: Là thành viên “trẻ tuổi” nhất của “gia đình” di sản UNESCO tại Việt Nam, Non nước Cao Bằng có thể tận dụng những bài học thành công của CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hay những khu di sản tự nhiên, các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong tháng 5/2019, tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO” cũng là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO. Đồng thời, là cơ hội lớn để tỉnh được học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển CVĐC của các địa phương, các CVĐC, tổ chức quốc tế; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, các diễn giả, các đơn vị chức năng trong phát triển du lịch bền vững gắn liền với các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh; các kinh nghiệm về xây dựng hệ thống đối tác CVĐC, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ kết nối các tour, tuyến du lịch…

Cũng theo ông Trương Thế Vinh, giai đoạn 1 Cao Bằng đã hoàn thành xong việc xây dựng CVĐC đạt theo tiêu chí của UNESCO. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mời chuyên gia tư vấn UNESCO xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể, để đảm bảo gắn kết với phát triển bền vững, phát huy tối đa các giá trị sẵn có của công viên địa chất. Trong đó tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, tập trung phát triển hệ thống đối tác, phát triển hệ thống sản phẩm để đảm bảo tăng cường sinh kế cho người dân địa phương.

Suối Lênin với nhiều di tích lịch sử, nơi Bác Hồ từng sống và lãnh đạo quân dân chiến đấu. Ảnh: NAM TRẦN

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch tổng thể xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2022; Triển khai Đề án tổng thể phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2025; tầm nhìn đến năm 2030.

Cao Bằng cũng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính nhằm phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC Toàn cầu, gồm: Tiếp tục xây dựng, phát triển, khai thác tiềm năng của 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC, phát huy tối đa các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa nổi bật trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng. Triển khai các sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng với các làng nghề rèn, làm hương, làm ngói, chạm bạc, dệt thổ cẩm tại huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, Nguyên Bình; du lịch tâm linh tại các đền, chùa ở Thành phố, Hòa An, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Phục Hòa; du lịch khám phá các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo: Hát then - đàn tính, Sli, Lượn, Dá Hai…

Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá định kỳ, kiểm tra các điểm di sản để kịp thời có phương án khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các điểm di sản trong vùng CVĐC. Tuyên truyền, giáo dục về CVĐC tại cộng đồng và trong trường học; phát triển hệ thống đối tác CVĐC; triển khai các sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và du lịch Cao Bằng tới du khách trong nước và quốc tế, xây dựng Cao Bằng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng lan tỏa rộng rãi trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Thời gian tới Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cao Bằng cũng sẽ nghiên cứu triển khai Dự án “Phát triển chiến lược marketing bền vững cho ngành du lịch trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” của Tiến sỹ Lương Ngân và Giáo sư, Tiến sỹ Clifford Shultz - Chuyên gia Trường Đại học Loyola Chicago, Hoa Kỳ. Dự án sẽ phân tích thực trạng sản phẩm và dịch vụ ngành du lịch trong vùng CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đánh giá các đặc điểm và nhu cầu của thị trường về các sản phẩm và dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng. Đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch.

Nỗ lực, nhiều trăn trở, nhiều sáng tạo để tìm ra cách làm hay… hoàn toàn có thể nuôi niềm tin rằng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ tạo sức đột phá cho du lịch Cao Bằng, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị về địa chất, văn hóa, lịch sử mà còn là một nhân tố quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho “vùng non nước” đầy sức mê hoặc Cao Bằng.

Ba “tuyến đường trải nghiệm” tại CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng

1. Tuyến tham quan “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” theo hướng Tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phia Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo. Khởi đầu từ sự hình thành một đại dương mới trên nền lục địa cổ cách ngày nay khoảng chừng 250 triệu năm, vùng đất này sau đó đã chứng kiến các hoạt động magma rộng khắp, với các lò “hỏa diệm sơn” mãnh liệt nhưng âm ỉ sâu trong lòng đất cách ngày nay khoảng chừng 85-95 triệu năm, gây ra những biến đổi mãnh liệt trong các tầng đá vây quanh. “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” còn là cơ hội để giới thiệu với du khách Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 22/12/1944 đã cùng 34 chiến sỹ hình thành nên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để du khách có dịp trải nghiệm những bản sắc văn hóa, những sản vật địa phương của đồng bào dân tộc Dao.

2. Tuyến tham quan “Trở về nguồn cội” từ TP. Cao Bằng ngược lên phía Bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến hành trình này cũng đầy ắp các di tích lịch sử khác, như di tích thành Bản Phủ, di tích thành Nà Lữ cùng đền Vua Lê, di tích đền thờ Nùng Chí Cao, di tích lịch sử cách mạng mộ Kim Đồng... Du khách còn có cơ hội trải nghiệm thung lũng đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên nổi tiếng, địa hình karst trẻ dạng dãy, hang Pác Bó... Cùng với các món ẩm thực đặc sắc, các làng nghề thổ cẩm truyền thống Đào Ngạn, Phù Ngọc.

3. Tuyến tham quan “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên” về phía Đông: Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc, riêng có như quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, “sơn thần nhãn” cùng hàng chục điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất khác, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng hương Phja Thắp, làng bánh khảo Cáp Tao, Phi Hải cùng hàng chục lễ hội dân gian như pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, lồng tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... Trong tuyến này có ngôi chùa lớn “Phật tích Trúc lâm Bản Giốc” cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn-Bản Giốc.

Minh Diễn - Quán Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-tu-mo-hinh-cong-vien-dia-chat-toan-cau-post68471.html