Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa truyền thống
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, khai thác, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Du lịch cộng đồng tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam…, đến nay đã mở rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giai đoạn 2015-2020 là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó ngành Du lịch cũng đã ban hành tiêu chuẩn làm căn cứ cho việc quản lý và định hướng nâng cao chất lượng cho loại hình du lịch cộng đồng này như: Tiêu chuẩn quốc gia nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2009 được ban hành năm 2009 và điều chỉnh, bổ sung năm 2017. Trong khu vực ASEAN có Tiêu chuẩn homestay ASEAN ban hành năm 2014, Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN ban hành năm 2015.
Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn. Điển hình như tại Hà Giang, có hơn 30 mô hình cộng đồng, mỗi mô hình có 10 tiêu chí và địa phương đang xây dựng thêm một tiêu chuẩn quốc tế. Một số hộ tại Hà Giang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN. Việc quy hoạch 36 làng cộng đồng đang được ưu tiên, có điều kiện kết nối tour tuyến.
Du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) được khởi xướng cách đây hơn hai chục năm tại trung tâm xã Tả Van, cách Sa Pa khoảng 10km. Từ năm 2008, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), thị xã Sa Pa đã xây dựng thí điểm Dự án hỗ trợ du lịch bền vững. Với mục tiêu đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa trong việc kinh doanh du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc… Dự án hỗ trợ du lịch cộng đồng bền vững tại Sa Pa đã đạt hiệu quả cụ thể, đến nay đã nhân rộng ra nhiều xã như: Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang… với sự tham gia của 295 hộ dân (số liệu tháng 12/2019) cùng làm du lịch.
Tại Đồng Nai, thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng phát triển du lịch cộng đồng, các cấp lãnh đạo, quản lý du lịch đã nhận định, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, TP. Long Khánh nhằm gắn với nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng dân cư được tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng và đặc biệt đối với hệ thống quản lý du lịch.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành cần nghiên cứu xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống (đờn ca tài tử, rối nước, nghệ thuật cải lương...) và xây dựng Lễ hội mừng lúa mới (Lễ hội Sayangva) của đồng bào dân tộc Chơro thành sản phẩm du lịch. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của Đồng Nai để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch.
Còn tại Quảng Ninh, từ nay đến năm 2022, địa phương dự tính sẽ xây dựng 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng bao gồm: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); làng văn hóa dân tộc Tày thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu) và điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (Quảng Yên).
Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững.
Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng các điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Để phát triển được du lịch cộng đồng trong bối cảnh hiện nay, ngoài tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa bản địa, theo các chuyên gia cần phải có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực...
Mặt khác, cần hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi.