Phát triển du lịch cộng đồng ở Lục Ngạn, Bắc Giang
Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Huyện xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với hai sản phẩm du lịch hấp dẫn là văn hóa tâm linh gắn với khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh; nâng cấp hạ tầng mạng Internet, phủ sóng wifi miễn phí các khu, điểm du lịch đông người tham quan. Đặc biệt, huyện lồng ghép quảng bá du lịch với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn.
Ngành Du lịch huyện liên kết tour, tuyến, kết nối các khu, điểm du lịch của huyện với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh chùa Am Vãi, đền Từ Hả, tham quan làng nghề truyền thống và vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn với du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử; du lịch sinh thái, thể thao hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; tham quan vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn với các di tích lịch sử văn hóa của Bắc Giang, Lạng Sơn; tuyến kết nối khu vực vùng cao, thăm bản văn hóa Bắc Hoa và Phiên chợ xuân vùng cao xã Tân Sơn…
Huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm du lịch, phấn đấu có thêm 7 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Huyện huy động thêm các hộ gia đình tham gia làm du lịch, mỗi điểm có từ 30 hộ gia đình tham gia trở lên, đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia phát triển mô hình du lịch homestay mang đặc trưng của Lục Ngạn. Mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách; có Đội nghệ thuật hoặc Câu lạc bộ dân ca dân tộc thường xuyên duy trì hoạt động giao lưu phục vụ du khách.
Lục Ngạn từ lâu đã nổi tiếng với sản vật vải thiều, được mệnh danh là “thủ phủ vải thiều” của cả nước, bốn mùa hoa thơm trái ngọt, nơi hội tụ của 8 dân tộc chính sống đan xen, tạo nên sự giao thoa, giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những lễ hội, phiên chợ vùng cao, các làn điệu dân ca Soọng cô (Sán Dìu), Soóng cộ (Sán Chí), Sloong hao (Nùng), dân ca Cao Lan… được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách.
Lục Ngạn có 226 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 42 di tích được xếp hạng, có nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Cấm Sơn với diện tích mặt nước trên 2.600 ha; hồ Khuôn Thần được ví như một nàng công chúa, với diện tích khoảng 240 ha, khung cảnh thơ mộng, với nhiều đảo nhỏ xen giữa các rừng thông; đền Từ Hả nơi thờ thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, phò mã nhà Lý, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI, là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý có giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là 21 đạo sắc phong của các triều đại...
Huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, tạo nên những dấu ấn riêng và sự thay đổi tích cực trong phát triển du lịch cộng đồng của địa phương như: tổ chức thành công Chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn”; tổ chức Chương trình du lịch “Về miền quả ngọt Lục Ngạn”...Toàn huyện đã thành lập 29 hợp tác xã kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Huyện có hai điểm du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh công nhận là Làng văn hóa Đông Bắc, tại thị trấn Chũ và điểm du lịch Bầu Tiên, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn.
Năm 2022, Lục Ngạn đã đón 230 nghìn lượt khách du lịch, tăng 53% so với cùng kỳ; doanh thu từ các hoạt động du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương tăng 200% so với cùng kỳ 2021.