Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Ðiện Biên

ĐBP - Ngoài thế mạnh về du lịch lịch sử, Ðiện Biên còn sở hữu tiềm năng sinh thái rừng, hang động, hồ nước, điểm nước khoáng nóng, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái... Trong những năm gần đây, tận dụng tiềm năng sẵn có, một số cá nhân đã đầu tư xây dựng các mô hình du lịch, giúp du khách có nhiều trải nghiệm, đến tham quan nghỉ dưỡng. Ðặc biệt, loại hình du lịch theo hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang được ngành Du lịch Ðiện Biên quan tâm và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ngành Du lịch Ðiện Biên đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút trên 870 nghìn lượt du khách (trong đó có 220 nghìn lượt khách quốc tế), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Chính vì thế, ngành Du lịch tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện, nguồn lực để các mô hình du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch (ngoài du lịch lịch sử) phát triển. Thời gian gần đây, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có vườn hoa, hồ nước, cảnh vật và các dịch vụ cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc đã và đang được đầu tư.

Theo giới thiệu của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đi tham quan một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại địa bàn huyện Ðiện Biên và Mường Ảng. Ðiểm đầu tiên đặt chân tới là Khu du lịch “Thung lũng Hoa hồng”, thuộc đội 1, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên). Ðúng như cái tên thơ mộng của nó, khi mới vào tới đầu cổng khu du lịch, chúng tôi khá ấn tượng bởi vườn hoa hồng rộng bạt ngàn nằm giữa rừng, với các loại hoa, màu sắc khác nhau đang đua nở, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Ðón tiếp và dẫn chúng tôi tham quan khu du lịch, anh Hoàng Huy Hoàng, chủ khu du lịch Thung lũng Hoa hồng, chia sẻ: “Tôi đầu tư xây dựng, mở mang khu du lịch này từ tháng 3/2017, với tâm huyết xây dựng mô hình vườn hoa kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng đặc trưng đầu tiên ở Ðiện Biên. Tôi đã đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng hoa ở nhiều địa phương trong nước, như: Sa Pa (Lào Cai), Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Mộc Châu (Sơn La)... Sau đó mang các giống hoa hồng về đây trồng. Do thuận lợi về thời tiết, khí hậu, đến nay vườn hoa hồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, với hơn 3 vạn gốc”.

Du khách trải nghiệm phong cảnh tại Khu du lịch Thung lũng Hoa hồng.

Với vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, Khu du lịch của anh Hoàng rộng gần 10ha, được thiết kế nằm dưới những tán rừng sản xuất, rừng tái sinh. Xung quanh có những khe nước mát lành, xen kẽ với những quang cảnh khác, như: nhà chòi gỗ, bàn nước, bãi cỏ rộng rãi… tạo chỗ nghỉ chân, chụp ảnh và tổ chức ăn uống cho du khách. Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi này một điểm thư giãn tuyệt vời, vì thế, trong các dịp cuối tuần, hàng trăm du khách thập phương đã tìm đến tham quan, thưởng thức. Anh Lê Anh Tuấn, nhiếp ảnh gia tại tỉnh Ðiện Biên có mặt tại khu du lịch Thung lũng Hoa hồng cho biết: “Tôi thường xuyên đưa gia đình, bạn bè tới đây tham quan, nghỉ dưỡng. Ở đây không chỉ đẹp, thơ mộng mà còn là điểm khai thác chụp ảnh độc đáo cho nhiều bạn trẻ, khách du lịch.

Hiện nay, với mật độ du khách đến thăm ngày càng đông và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương và ngành Du lịch tỉnh, anh Hoàng đang tiếp tục đầu tư, mở mang khu du lịch Thung lũng Hoa hồng. “Tôi đã đầu tư mua thêm một số thiết bị, máy móc để sơ chế hoa hồng khô trở thành trà hoa hồng; dự kiến sẽ sản xuất tinh chất hoa hồng và khu tắm nước nóng, spa bằng hoa hồng cho du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn là đường đi vào khu du lịch còn chưa thuận tiện, chưa được mở mang rộng rãi. Chính vì thế, trong thời gian tới, cùng với việc xây dựng nông thôn mới của chính quyền các cấp, hy vọng chúng tôi sẽ có con đường đảm bảo hơn để du khách dễ dàng vào đây nghỉ dưỡng” - anh Hoàng chia sẻ thêm.

Ðiểm đến thứ hai trong hành trình trải nghiệm khu du lịch cộng đồng là Ðào Viên Sơn, nằm tại bản Bua 1, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng). Ðây là một điểm du lịch mới, nhưng được đầu tư khá bài bản, trên diện tích 7ha, gồm những đồi cỏ tự nhiên, vườn hoa, ao cá, thác nước nhân tạo... Ðặc biệt, nơi này được trồng 1.000 gốc đào cổ thụ, đan xen với nhiều loại cây cỏ ít gặp trong tự nhiên. Chủ Khu du lịch Ðào Viên Sơn là anh Nguyễn Ðức Lợi cho biết: “Khu du lịch có thể phục vụ du khách tham quan cả bốn mùa, có khu ăn uống, nghỉ trưa, trượt cỏ; có vườn hoa các loại nở quanh năm và các tiểu cảnh được thiết kế dựa trên nguyên tắc phóng tác nguyên mẫu, mang đậm yếu tố văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Tây Bắc”. Theo anh Lợi, trong giai đoạn tiếp theo, khu du lịch sẽ mở thêm các loại dịch vụ, như: ăn, nghỉ, thư giãn dài ngày, xe trượt cỏ... để du khách có thể vui chơi dã ngoại lâu hơn.

Tuy nhiên, cũng như khu du lịch Thung lũng Hoa hồng, hiện nay khu du lịch Ðào Viên Sơn gặp phải một yếu tố bất lợi đó là không gần quốc lộ, đường đi lại khó khăn. Do đó, để phát triển du lịch có tính lâu dài, các chủ đầu tư cần quan tâm mở mang đường giao thông. Cùng với đó, việc đầu tư nâng cấp, đổi mới quang cảnh theo chiều sâu, có tính chất giải trí, thư giãn vẫn là điểm hút khách lớn nhất đối với mỗi khu du lịch nói chung.

Có thể thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng do tư nhân đầu tư. Song, chỉ rộ lên một thời gian ngắn, rồi không phát triển được và có dấu hiệu xuống cấp, dừng hoạt động. Theo tìm hiểu, được biết, ngoài lý do chủ quan, chủ các khu du lịch đều chưa nhận được sự quan tâm thiết thực của ngành Du lịch và chính quyền địa phương. Vì thế, để du lịch trở thành mũi nhọn như chính định hướng của tỉnh, thiết nghĩ, mỗi hệ thống, mô hình du lịch rất cần nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và các cấp, ngành liên quan. Từ đó, mới giúp các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ngày thêm phát triển.

Phương Liên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/du-lich/174486/ph%C3%A1t-tri%E1%BA%BBn-du-l%E1%BB%8Bch-sinh-th%C3%A1i-du-l%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%8Dng-d%C3%B2ng-%E1%BB%8F-%C3%B0i%E1%BA%B9n-bien