Phát triển du lịch sinh thái ở vùng đất phong lưu
Nhiều sản vật của phù sa đầm phá này đã tạo ra một vùng đất được mệnh danh phong lưu. Các nhà khoa học đã nghiên cứu để phát triển du lịch sinh thái gắn sinh kế bền vững tại đây.
Đề tài khoa học do Trường đại học Quảng Bình chủ trì thực hiện,vừa được Hội đồng Khoa học nghiệm thu ngày 19/6.
Phá Hạc Hải ở hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã từng được miêu tả về vẻ đẹp trong sách Ô Châu cận lục của tiến sĩ Dương Văn An đề cập vào thế kỷ 16.
Phá Hạc Hải rộng hàng ngàn ngàn héc ta. Mỗi năm lũ lụt kéo về, tuy gây ra thiệt hại nhưng cũng để lại lượng phù sa tốt cho cây lúa và thức ăn cho những loài thủy sản đặc trưng sông nước.
Trong số những sản vật ở Hạc Hải, có rạm, ốc, vẹm. Rồi cá bống, cá diếc, cá quả, cá chép, lươn, ếch…Cùng với đó là nhiều vô kể các loài chim di cư theo mùa về Hạc Hải mỗi năm, tạo ra nguồn sản vật đa dạng cho một vùng đầm phá.
Ở Hạc Hải có cá trẻng, một dòng như cá chép, tuy nhiên dáng hình bơi lội nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, lực lưỡng hơn cá chép với cái vây như hình thoi. Ngày xưa, thanh niên trong những ngôi làng bên phá Hạc Hải đi đánh bắt, trúng cá chép đã mừng, trúng được con cá trẻng 5 ký là một kỳ tích.
Được thực hiện từ tháng 3/2021 đến nay, các nhà khoa học nghiên cứu tổng quan về du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững; đánh giá tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và thực trạng hoạt động sinh kế của người dân tại địa bàn phá Hạc Hải; đề xuất giải pháp triển khai thực hiện các mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững.
Trong đó, các nhóm giải pháp được đề xuất: Về cơ chế, chính sách; thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng-dịch vụ du lịch; quảng bá và xúc tiến du lịch; liên kết giữa các bên liên quan; bảo tồn tài nguyên; nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng.
N.Nguyệt