Phát triển du lịch xanh, 'bệ đỡ' thu hút khách bền vững

Du lịch xanh là xu hướng của thế giới để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả. Với Việt Nam, mô hình du lịch xanh hướng tới sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường, phong tục văn hóa... qua đó, DN xây dựng, nâng cấp tour thu hút khách.

Việt Nam đã có mô hình du lịch xanh

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa... qua đó, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, thời gian qua nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội… đã áp dụng mô hình du lịch xanh vào hoạt động kinh doanh như không sử dụng túi nilon, vật dụng nhựa.

Không ít địa phương, trong đó, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã đề nghị du khách không mang túi nilon, đồ dùng bằng nhựa ra đảo; TP Hội An (Quảng Nam) đã ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”... Hay như tại Hà Nội, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa (Đông Anh) Tô Duy An thông tin, nhằm thu hút du khách đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa bên cạnh việc trồng thêm cây xanh chính quyền và DN du lịch đã hướng dẫn người dân sử dụng chai nhựa tái chế thành những thùng rác di động, tuyên truyền du khách không vứt rác bừa bãi…

Du khách tham quan mô hình du lịch xanh tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoài Nam

Du khách tham quan mô hình du lịch xanh tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về việc phát triển du lịch xanh gắn với thiên nhiên môi trường,Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân Hoàng Công Anh cho biết, nhằm khai thác tiềm năng du lịch phố cổ đơn vị đã triển khai sản phẩm “Du lịch xanh trong TP xanh với phương tiện giao thông sạch”. Không chỉ riêng sản phẩm du lịch bằng xe điện, gần đây, các đơn vị kinh doanh du lịch Hà Nội ra mắt nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường.

Điển hình là Công ty Lữ hành Hanoitourist thiết kế tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, tour xe đạp khám phá Cổ Loa (Đông Anh), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”… Thực tế cho thấy, nhằm đa dạng hóa trải nghiệm du lịch xanh, các đơn vị lữ hành đã xây dựng một số địa điểm mới như: Mũi Né, Vĩnh Hy, Cam Ranh, Nha Trang, Đắk Nông, Đắk Lắk… Với các tour này, du khách được trải nghiệm trong môi trường thiên nhiên nhiều hơn, như đi bộ, đạp xe qua các buôn làng…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình cho biết, để thúc đẩy phát triển Du lịch xanh vào cuộc sống, ngay từ năm 2018, VITA đã phát động phong trào "Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa" và được các DN du lịch cả nước hưởng ứng phát triển các sản phẩm du lịch không rác thải nhựa. Đồng thời, VITA đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên VITA, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.

Cần sự chung tay từ nhiều phía

Theo các chuyên gia du lịch việc chuyển đổi du lịch xanh đã có sự chuyển biến nhưng việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, nhiều địa phương thực hiện manh mún “mạnh ai nấy làm”. Để phát triển du lịch xanh đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía.

Du khách tham gia tour đi bộ khám phá Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Du khách tham gia tour đi bộ khám phá Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, phần lớn DN du lịch có ý thức về du lịch xanh nhưng mới ở mức độ giải quyết các vấn đề phát sinh từ khách du lịch như thu nhặt nhặt rác thải. Vì vậy, để du lịch xanh được duy trì và phát huy, cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch VITA Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, hiện công tác tổ chức hoạt động du lịch xanh và sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, DN và cộng đồng dân cư địa phương chưa thực sự thường xuyên. Các DN du lịch, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về tài chính trong các chương trình, hoạt động triển khai du lịch xanh.

Để phát triển du lịch xanh, Chủ tịch Chi hội lữ hành Hà Nội Lê Thanh Thảo kiến nghị, để khuyến khích hành vi xanh, tư duy xanh và hành động xanh của những người làm du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo thuận lợi, khuyến khích DN đầu tư phương tiện vận chuyển xanh như, xe điện, xe đạp. Đồng thời, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, tổ chức thêm nhiều lễ hội, sự kiện về văn hóa, ẩm thực, làng nghề… Qua đó, DN có điều kiện xây dựng nhiều tour du lịch xanh, thân thiện thiên nhiên và đa sắc màu văn hóa bản địa.

Du khách quốc tế tại làng dân tộc Thái Hải (Thái Nguyên). Ảnh: Hoài Nam

Du khách quốc tế tại làng dân tộc Thái Hải (Thái Nguyên). Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, để chuyển đổi du lịch xanh hiệu quả đòi hỏi địa phương quy hoạch các khu vực cho phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, thiết bị để giảm thiểu những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân chuyển từ nhận thức sang hành động, ứng xử đúng mực tài nguyên văn hóa, di sản.

Thông tin về những giải pháp hỗ trợ DN người dân phát triển du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích DN, địa phương phát triển đa dạng các loại hình cơ sở lưu trú xanh. Bên cạnh đó, dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển những dòng sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch nhặt rác, tour trải nghiệm các hoạt động ngoài trời gắn với bảo vệ thiên nhiên.

“Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai tập huấn cho người dân về ứng xử văn minh du lịch, phát triển du lịch xanh, gắn đào tạo với tham quan, học tập các mô hình điểm. Không dừng ở đó du lịch Hà Nội còn đẩy mạnh truyền thông các mô hình du lịch xanh qua đó hỗ trợ người dân, DN có các biện pháp để xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế sử dụng túi ni lông và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuyệt đối không chế biến và bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đặc biệt Hà Nội bắt tay với các địa phương phát triển, khai thác tour du lịch xanh liên tuyến” - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-du-lich-xanh-be-do-thu-hut-khach-ben-vung.660762.html