Phát triển đường sắt đô thị giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Sáng 2/3, làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một số bộ, ngành liên quan về kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch về mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng yêu cầu bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đầu tư có thể theo lộ trình, phân kỳ đoạn tuyến phù hợp với yêu cầu phát triển, điều kiện nguồn lực, tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, quy hoạch phải được lập một cách hệ thống, đồng bộ, tổng thể và có tầm nhìn xa, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, gắn kết đồng bộ hệ sinh thái kinh tế công nghiệp - dịch vụ - cảng biển - đô thị và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và hàng hải.
Đặc biệt, ông Hà lưu ý cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch ngoài vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công, ông Hà lưu ý cần đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để huy động các nguồn lực xã hội. Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị (TOD) tại các nút giao thông, nhà ga đường sắt tạo quỹ đất, phát huy nguồn lực đầu tư trở lại cho đường sắt.
Theo ông Hà, với quy hoạch và nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đường sắt để từng bước tự chủ, làm chủ khoa học công nghệ phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho đường sắt.
Với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị xem xét tổng thể hệ thống cảng biển tổng hợp, chuyên dụng, cảng nội địa đường thủy để có kế hoạch cải tạo, phát huy tiềm năng vận tải từ mạng lưới sông ngòi dày đặc trên cả nước.
Trong quá trình triển khai các dự án đường sắt, cảng biển, Phó Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến tín hiệu thị trường, khả năng kết nối, đồng bộ, hiệu quả, điều kiện tự nhiên thuận lợi.