Phát triển giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếng Việt là một trong những trọng tâm của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18/3, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếng Việt là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát triển giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho biết, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam; dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài…
Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm rõ hơn kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nêu rõ những vướng mắc và phương hướng giải quyết trong thời gian sắp tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếng Việt là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài."
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược và cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác của Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, như phối hợp với các địa phương ở nước ngoài tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá du lịch Việt Nam; thông qua các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các sự kiện văn hóa ẩm thực Việt Nam; phối hợp thành lập các trung tâm nghiên cứu Việt Nam, văn hóa Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại; đưa sách vở, sản phẩm văn hóa Việt Nam vào các trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa tại trụ sở, nhất là các nơi đón tiếp khách nước ngoài.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến Đại học Melbourne - nơi có chương trình nghiên cứu, tư vấn chính sách về Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Viện Chính sách Australia-Việt Nam tại Đại học RMIT (thành phố Melbourne, bang Victoria).
Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cắt băng khai trương khu phố Việt đầu tiên trên thế giới được chính quyền sở tại công nhận...
"Những sự kiện này tạo cảm hứng rất lớn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc. Đây là những cách chúng ta sẽ làm để tôn vinh văn hóa Việt, dân tộc Việt," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp thực hiện. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để hỗ trợ hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng các trường, lớp dạy tiếng Việt. “Có tiếng Việt mới duy trì, phát huy được văn hóa Việt,” Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.
Trưởng ngành Ngoại giao cũng thông tin việc đã xây dựng giáo trình tiếng Việt dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài và cung cấp tài liệu giảng dạy cho các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 200 cơ sở dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung ở các nước có đông kiều bào như Campuchia, Lào, Thái Lan, Pháp, Đức, Nga, Séc, Canada, Hoa Kỳ…
Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 sách giáo khoa tiếng Việt, sách dạy tiếng Việt và nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ cho các hội, đoàn người Việt Nam và các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài; xây dựng 2 tủ sách tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng người Việt tại Hungary và Fukuoka (Nhật Bản)…
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 9 khóa tập huấn, giảng dạy cho giáo viên là người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào ta; đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại với hình thức phù hợp với cấp học; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu, nhất là đối với địa bàn có đông người Việt Nam; có cơ chế phối hợp hiệu quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức triển khai các đề án liên quan đến dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Cùng quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp đột phá để tăng cường hoạt động kết nối các mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam theo từng nhóm lĩnh vực thiết yếu và chế độ đãi ngộ xứng đáng cho tri thức là người Việt Nam có đóng góp thiết thực cho Tổ quốc.
Về vấn đề chuyên gia, trí thức kiều bào ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, đây là đội ngũ lớn, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Ngoại giao đã cùng các bộ, ngành địa phương tìm các giải pháp để tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, vận động lập hội tri thức khoa học công nghệ; kết nối cộng đồng tri thức bằng các diễn đàn để cộng đồng này có thể đóng góp tri thức, nguồn lực vào quá trình phát triển đất nước.
Công tác bảo hộ công dân được tiến hành kịp thời
Công tác bảo hộ công dân là một trong những vấn đề được các đại biểu dành thời gian chất vấn đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Tránh cạm bẫy "việc nhẹ lương cao"
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về công tác bảo hộ công dân, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau COVID-19, giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài và con số này tăng lên hơn 10 triệu lượt người vào năm 2023. Số du học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại các nước tăng lên nhanh.
Trong bối cảnh đó, một số vi phạm pháp luật đã xảy ra ở các nước, ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan xây dựng một quy trình, quy chế về đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động, đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy, quy định; đồng thời, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại cũng như quan hệ giữa hai nước.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, số lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài rất đông. Nhiều du học sinh có nguyện vọng về nước cống hiến phục vụ song cũng có nhiều người phân vân bởi nước sở tại có nhiều điều kiện để ở lại làm việc và đóng góp.
Ghi nhận ý kiến của kiều bào trong các cuộc tiếp xúc khi thăm các nước, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cho rằng, du học sinh có thể phát huy được vai trò của mình trong công việc ở nước sở tại, cũng chính là góp phần trau dồi tri thức thực tế, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội nước bạn, quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, bị lừa đi ra nước ngoài làm việc, cưỡng bức lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều thanh thiếu niên đi ra nước ngoài theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau, chủ yếu là với chiêu thức tuyển dụng “việc nhẹ lương cao,” song thực chất là tham gia những hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan trong nước cũng như nước bạn, tổ chức đưa về nước an toàn khi phát hiện ra những nhóm di cư bất hợp pháp; đồng thời phối hợp với các đối tác để ngăn chặn di cư bất hợp pháp; thông tin, phổ biến, tuyên truyền cho các địa phương để quản lý con em, nhất là tuyên truyền để người dân hiểu rõ “việc nhẹ lương cao” là không có, chỉ có làm những việc vi phạm pháp luật.
Bảo hộ kịp thời các trường hợp di trú bất hợp pháp
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp Bộ Ngoại giao đã triển khai nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột thời gian qua; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ thời gian tới.Về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại địa bàn xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, không lường trước, khó dự đoán.
Như trường hợp ở dải Gaza, khi xung đột xảy ra tại Israel, có khoảng 700 công dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã tổ chức sơ tán ngay những người này về địa điểm an toàn. Cách đây hai năm khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, tại Ukraine có khoảng 7.000 người Việt Nam.
Toàn bộ đã được sơ tán an toàn, trong đó gần 2.000 người đã về nước; số còn lại được đưa sang các nước lân cận. "Công tác bảo hộ công dân được tiến hành rất kịp thời," Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tập trung làm tốt công tác dự báo tình hình, dự đoán những nơi có thể xảy ra xung đột, giữa các nước hoặc nội bộ một nước; tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về tình trạng dụ dỗ người dân ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao"; phối hợp các đối tác để giải cứu, bảo hộ kịp thời các trường hợp di trú bất hợp pháp.
Về câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) liên quan đến cơ chế bảo hộ công dân là người lao động di trú giữa Việt Nam và nước sở tại, Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đặc biệt, phát huy vai trò của cơ quan đại diện, phối hợp với ban quản lý lao động trong công tác này.
Đối với những quốc gia không có cơ quan đại diện của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã đề nghị cơ quan lãnh sự danh dự phối hợp chặt chẽ với ban quản lý lao động, phát huy vai trò của đại sứ kiêm nhiệm, nhất là những địa bàn mới đưa lao động sang lần đầu.
"Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có những biện pháp rất cụ thể từ đào tạo, tuyển dụng, đưa người đi để bảo đảm yêu cầu, phù hợp luật pháp cả hai bên," Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./.