Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Để hỗ trợ người dân thoát nghèo, cùng với tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khác, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Học viên tham gia lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp tổ chức.

Học viên tham gia lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp tổ chức.

Thực tế cho thấy, để giảm nghèo bền vững thì chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Đồng thời, cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng (dự án 4): Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thực hành kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng tại Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn).

Thực hành kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng tại Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn).

Là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Để thực hiện, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung tổ chức công tác đào tạo nghề gắn với đặc điểm của lao động ở địa phương và theo hướng “cầm tay, chỉ việc”.

Từ Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 03/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2023, để thực hiện các nội dung thuộc Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.

Thực hành kỹ thuật tiêm phòng trị bệnh cho gà tại 1 lớp học do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới phối hợp tổ chức.

Thực hành kỹ thuật tiêm phòng trị bệnh cho gà tại 1 lớp học do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chợ Mới phối hợp tổ chức.

Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, từ đầu năm 2023 đến nay, căn cứ nhu cầu của người dân, đã tổ chức 02 lớp đào tạo nghề về trồng và chăm sóc rừng tại phường Xuất Hóa và xã Nông Thượng, mỗi lớp có 35 học viên. Từ kiến thức được truyền đạt giúp học viên có thêm kiến thức, kỹ năng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tương tự như TP. Bắc Kạn, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nội dung thuộc Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất. Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động khác, như: Tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm... để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp, có thu nhập ổn định./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-viec-lam-ben-vung-post59302.html