Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

ĐBP - Một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết Đảng bộ TP. Điện Biên Phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra đó là đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được Đảng bộ thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Học sinh THCS trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ tham gia tìm hiểu Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Triển lãm ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” do Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức dịp 30/4/2021. Ảnh: C.T.V

Phân tích điều này, ông Hà Quang Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ cho biết: Những năm qua, Đảng bộ thành phố đã quan tâm lãnh đạo phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhờ đó sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tiếp tục phát triển, quy mô trường lớp được sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng bền vững. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc. Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học được triển khai thực hiện có hiệu quả… Tuy nhiên khoảng cách về chất lượng giáo dục toàn diện ở các xã còn khá xa so với các phường trung tâm thành phố Cơ sở vật chất một số trường chưa đảm bảo đúng chuẩn theo quy định. Một số trường mầm non, tiểu học ở trung tâm thành phố cơ sở vật chất chưa được đầu tư kịp thời, đáp ứng được sự gia tăng việc quy mô, số lượng học sinh. Giáo dục truyền thống, nhất là lịch sử địa phương; giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở các nhà trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn đang dần bị mai một… Nguyên nhân được chỉ ra đó là nội dung chương trình giảng dạy bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các nhà trường chủ yếu là giảng dạy lồng ghép trong một số tiết học, môn học. Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là ở các xã mới sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ nên phụ huynh học sinh chưa có điều kiện quan tâm tới việc học tập của con em. Trên cơ sở phân tích khách quan nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% số trường công lập đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ I trở lên, trong đó 96% trường đạt chuẩn quốc gia. Bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó TP. Điện Biên Phủ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III, phổ cập giáo dục THCS mức độ III và phổ cập xóa mù chữ mức độ II tại 12/12 xã, phường. 100% đơn vị trường học đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục lịch sử địa phương vào chương trình giáo dục nhà trường. 100% các trường công lập đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ cấp độ I trở lên (trong đó 96% trường đạt chuẩn quốc gia)…

Để hoàn thành được mục tiêu đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà Đảng bộ thành phố đề ra, TP. Điện Biên Phủ đã tập trung tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về giáo dục và đào tạo, công tác bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gắn với bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc. Chú trọng phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp học, duy trì và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục các cấp. Điều chỉnh quy mô lớp học, tăng số học sinh trên lớp ở các cấp học, đảm bảo không vượt mức tối đa theo quy định, phù hợp thực tiễn tại các đơn vị trường học. Quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu dạy học và đổi mới giáo dục. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tối đa dân số trong độ tuổi đến trường; duy trì sĩ số học sinh. Duy trì và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục các cấp, ở 12/12 phường xã…

Bà Lê Thị Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở trường học trên địa bàn quan tâm xây dựng chương trình giáo dục bám sát mục tiêu giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, phòng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở vùng khó khăn vùng dân tộc thiểu số; thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục mầm non, kế hoạch thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức các hoạt động vận động cho trẻ, từng bước cho trẻ làm quen với một số nét về không gian văn hóa các dân tộc phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục trong chương trình giáo dục nhà trường. Đối với giáo dục phổ thông, các trường học đã thực hiện nghiêm túc các chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đặc biệt quan tâm tới việc triển khai chương trình giáo dục địa phương… Bám sát mục tiêu giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng đơn vị trong thực hiện chương trình dạy chính khóa, dạy buổi 2 (chương trình dạy tự chọn, chủ đề, chủ điểm) và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đổi mới hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo hướng phát triển năng lực học sinh, xây dựng trường học thân thiện, an toàn - xanh - sạch - đẹp. Quan tâm đến công tác giáo dục dân tộc bằng cách đưa nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của từng trường học. Cùng với đó là giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu (làn điệu dân ca, trò chơi dân gian…) cho học sinh trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa. Các trường học cũng đã thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, lòng yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tiếp tục dạy tiếng dân tộc và văn hóa dân tộc Thái, Mông… qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc cho học sinh.

Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/187463/phat-trien-giao-duc-va-dao-tao-gan-voi-bao-ton-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc