Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, cùng với tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông, từng bước phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo vững chắc.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huyện đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Kết cấu hạ tầng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện; hệ thống trường lớp học cơ bản được kiên cố hóa, đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Đến nay, 8/8 xã trên địa bàn huyện có trường mầm non, tiểu học, THCS và trung tâm học tập cộng đồng; các bản xa trung tâm xã được bố trí các điểm trường đảm bảo huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường; trẻ em vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số được huy động học tập tại trường PTDT nội trú, PTDT bán trú.
Giai đoạn 2016-2022, thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vận động tài trợ, huyện Sốp Cộp đã đầu tư xây dựng mới 46 phòng học mầm non, 48 phòng tiểu học, 16 phòng THCS; 7 phòng ở công vụ giáo viên, nâng cấp đầu tư mới nhà ăn, nhà bếp nhà ở bán trú học sinh ở các trường tổ chức nấu ăn bán trú và các hạng mục phụ trợ khác.
Năm học 2021-2022, huyện Sốp Cộp có 22 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, 1 nhóm trẻ tư thục; có 623 nhóm, lớp, 17.429 học sinh, trong đó học sinh dân tộc 16.571 học sinh chiếm 94,8%. Số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ mức độ 1 trở lên là 30.233/31.911 người; biết chữ mức độ 2 là 28.919 người. Có 8/8 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2; huyện đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2. Toàn huyện có 697 phòng học, phòng học kiên cố tăng, bán kiên cố và phòng học tạm giảm. Số phòng bán trú tăng 115 phòng, phòng ở nội trú, bán trú học sinh có 184 phòng. Học sinh thuộc diện bán trú ngày một tăng, một số nhà ở bán trú đã xuống cấp, một số trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở bán trú của học sinh. Huy động 4.015 trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,5%. Huy động học sinh trong độ tuổi 6-10 tuổi ra lớp đạt 99,54%. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%. Huy động học sinh trong độ tuổi 11-14 tuổi ra lớp đạt 98,4%. Phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi 8/8 đạt, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS 5/8 xã đạt mức độ 2.
Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp, thông tin: Chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Sốp Cộp ngày càng được nâng lên; năm học 2021-2022, kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS đã thu hút 403 thí sinh từ khối lớp 6 đến khối lớp 9 dự thi ở tất cả các bộ môn tổ chức thi; có 174 học sinh đạt giải từ khuyến khích trở lên. Kỳ thi cấp tỉnh có 19/57 học sinh được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh; trong đó 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba, 11 giải khuyến khích.
Đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, huyện chú trọng nâng cao công tác chuyên môn, các nhà trường triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phát huy năng lực, sáng tạo của học sinh; tăng thời lượng dạy học, tổ chức hiệu quả việc dạy 2 buổi/ngày; phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém.
Huyện Sốp Cộp đang tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, ưu tiên trường phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo công tác giáo dục toàn diện cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn; thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nâng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở..., góp phần nâng cao dân trí đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-52256