Phát triển giao thông công cộng, tính toán sao cho phù hợp với đặc thù khí hậu
Nắng nóng gay gắt mùa hè, hành khách đổ mồ hôi từ nhà ra bến xe buýt. Mưa dông ngập úng, xe buýt trễ giờ hoặc có thể đổi lộ trình đột ngột. Đa phần người dân vốn đi đâu cũng dùng xe máy, càng ngại chọn phương tiện công cộng một phần do thời tiết biến đổi phức tạp.
Yếu tố khí hậu được đề cập thế nào trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng? Giải pháp nào giảm thiểu tác động của thời tiết đến hành khách? Việt Nam có thể học tập được gì từ các quốc gia có khí hậu tương tự?
Ngại đi bộ, sợ nắng nóng: Nhiều người không chọn phương tiện công công
Trần Thái Sơn, sinh viên Trường đại học Thủy Lợi đã không còn đi học bằng xe buýt sau một vài tuần đi thử. Quãng đường từ nhà ra bến và từ bến đến trường chỉ trên dưới một cây số, nhưng cũng là thách thức với những người không thường xuyên vận động:
“Bọn em là sinh viên, ở trong nhà trọ hoặc ký túc xá thì sẽ mất thời gian để đi bộ ra những tuyến đường lớn, trời nóng rất ngại ra ngoài, em nghĩ đấy cũng là một phần lý do em lựa chọn đi xe máy”.
Dù xe buýt Hà Nội được trang bị hệ thống điều hòa làm mát tốt song những người ít vận động, nhiều mồ hôi vẫn ngại sử dụng phương tiện công cộng trong những ngày nắng nóng cao điểm:
“Giờ đi làm về đông người, chen chúc, mùi khó chịu nên em không hay đi”.
“Bây giờ làm nhiều điểm dừng, người dân tiếp cận gần hơn, người ta đỡ phải đi xa, mưa nắng cũng ngại”.
“Để thu hút nhiều người sử dụng xe buýt hơn thì nên có những nhà chờ để đứng đợi đỡ bị thời tiết nắng mưa”.
Hà Nội dự kiến đưa 600 xe đạp công cộng vào hoạt động trong tháng 8 tới với kỳ vọng tăng khả năng kết nối của vận tải hành khách công cộng và giúp hành khách di chuyển thuận tiện hơn. Đứng nhìn trạm xe đạp công cộng được lắp đặt tại vườn hoa 19/8, anh Lê Xuân Sơn, ở quận Hai Bà Trưng, hy vọng sẽ bớt lỉnh kỉnh đồ đạc mỗi lần đi xe buýt: “Một cái ngại là mồ hôi đổ ra khá nhiều, nó dính vào quần áo. Mình mang theo khăn ướt, có cái quạt đeo cổ ý, cũng đỡ hơn khá là nhiều, và chắc chắn là phải cầm theo ô nữa rồi. Xe đạp công cộng thì mình nghĩ quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng, làm thế nào để nhiều chỗ cho thuận tiện. Chưa mường tượng ra cách hoạt động của nó thế nào nhưng mình nghĩ khá khó tại Việt Nam”.
Ngoài nắng nóng thì mưa dông cũng là điều kiện thời tiết ảnh hưởng lớn hoạt động vận tải hành khách công cộng. Nguyễn Hoàng Yến, ở quận Long Biên, mong muốn ứng dụng “Tìm buýt” sẽ được nâng cấp hơn nữa để hành khách chủ động mỗi khi xe buýt trễ giờ vì mưa ngập: “Như Hà Nội thỉnh thoảng có tình trạng mưa dông, trễ xe nhưng không được update, hoặc xe cứ dừng mãi ở một điểm, không biết tình hình như thế nào để mình chủ động công việc khác, hoặc là tìm những phương tiện giao thông khác. Chắc là trong ứng dụng sẽ cập nhật cả yếu tố thời tiết nữa, ví dụ điểm này bị ngập hay tắc cục bộ giống như Google Maps, thì sẽ tốt hơn”.
Hiện ứng dụng “Tìm buýt” có trên 500.000 lượt tải trên “Google Play”, số sao được đánh giá trung bình là 2,5 trên thang điểm 5.
Theo thống kê, Hà Nội có trên 150 tuyến xe buýt với khoảng 2.200 phương tiện, phục vụ 340 triệu lượt hành khách trong năm 2022. Tổng số điểm dừng xe buýt là khoảng 4.400, cự ly bình quân 600m trong khu vực nội thành, 900m với khu vực ngoại thành.
Ngoài ra, Hà Nội còn có 1 tuyến xe buýt nhanh thí điểm (BRT Kim Mã - Yên Nghĩa) với 12,9 km đường dành riêng; 1 tuyến metro đã đi vào hoạt động (Cát Linh - Hà Đông) gồm 12 nhà ga nhưng chỉ có 2 điểm đầu - cuối có nơi trông giữ phương tiện cho hành khách.
Để mưa nắng không làm nản lòng người đi xe buýt, tàu điện
Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá, đặc thù khí hậu, dù ít hay nhiều, luôn ảnh hưởng mạng lưới giao thông công cộng ở mọi quốc gia. Vấn đề là quy hoạch và phát triển cần tính toán cho phù hợp với đặc thù từng khu vực.
Hiện Hà Nội có khoảng 4.400 điểm dừng xe buýt, 127 điểm đầu - cuối bao phủ tất cả quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, điểm trung chuyển còn thiếu, số nhà chờ còn ít (mới chỉ có 5 điểm trung chuyển và trên 350 nhà chờ, đạt khoảng 7%):
“Một số nước như Singapore, nóng quanh năm, người ta có đầu tư và quy hoạch, xây dựng những con đường dành cho người dân đi xe buýt có tán cây, đỡ bị nhễ nhại mồ hôi.
Tôi nghĩ rằng khi xây dựng các con đường thỏa mãn các điều kiện thì hãy dành một phần cho nhà chờ xe buýt để cho người dân có điểm tránh nắng mưa.
Còn về vấn đề ứng dụng công nghệ, trong trang “tìm buýt”, hành khách cũng có thể biết được thời gian đi dự kiến của xe mình, thời gian xe buýt sẽ đến, đảm bảo thông tin chính xác và nhanh nhạy nhất”, ông Thắng nói.
Theo ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT, việc tiếp cận phương tiện công cộng của hành khách hiện nay khó khăn còn do “lịch sử” để lại. Một bộ phận lớn người dân sinh sống trong ngõ ngách, còn xe buýt chỉ đi trên những trục đường chính.
Do vậy, kể cả tăng mật độ điểm dừng cũng không thể cải thiện khả năng tiếp cận. Vấn đề là cần hoàn thiện mạng lưới và xem xét tác động của yếu tố khí hậu ngay trong khâu thiết kế: “Chúng ta phải kết nối, tích hợp với các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt hỗ trợ cho đường sắt đô thị, rồi những phương tiện cá nhân muốn kết nối phương tiện vận tải công cộng thì chúng ta phải cung ứng không gian.
Cụ thể, các tuyến metro, điểm trung chuyển, điểm dừng lớn của xe buýt thì phải tích hợp bãi đỗ cho xe đạp, xe đạp điện. Xe đạp thì việc kết nối cũng có những nhược điểm nhất định như khả năng leo dốc, tốc độ di chuyển, nhưng xe đạp điện, xe máy điện có thể cải thiện được những vấn đề đó. Chúng ta muốn khuyến khích thì phải cung cấp hạ tầng, tích hợp các trạm sạc điện với nhà ga, điểm dừng lớn”.
Trong bối cảnh chất lượng phương tiện công cộng tại Hà Nội khá tốt, nhất là hệ thống điều hòa làm mát, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, tăng khả năng tiếp cận là giải pháp giảm thiểu tác động của thời tiết.
“Trên thế giới tổ chức kiểu “park and ride”, tức là có chỗ đỗ xe cá nhân rồi lên xe công cộng. Họ bố trí những điểm dừng ở nơi tập trung đông người: trung tâm thương mại, công viên. Trời nắng, người ta có thể đứng trong trung tâm thương mại, khi nào xe gần đến người ta mới ra chẳng hạn.
Ngay từ lúc xây dựng đã phải quy hoạch xem các bến đỗ xe giao thông công cộng ở đâu, rồi từ đó mới bố trí khu nhà này là thương mại, khu nhà kia là sản xuất, trường học… Còn chúng ta hiện nay làm ngược lại.
Do điều kiện xây dựng, quy hoạch chưa được chặt chẽ, nên các điểm dừng thay đổi khá nhiều, đầu tư rất khó. Cái yếu của chúng ta là không tổ chức được “park and ride”, chưa bố trí được cho người dân tiếp cận giao thông công cộng trong khoảng 500m”, TS. Nguyễn Hữu Đức nêu rõ