Phát triển giao thương là tiền đề đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho rằng, phát triển giao thương giúp đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài.
Ngày 19/7, tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia, bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức đã có những chia sẻ về hoạt động kết nối giao thương giúp doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào chuỗi phân phối nước ngoài.
Phát triển quan hệ giao thương: Tiền đề để doanh nghiệp hành động
Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho rằng, việc phát triển quan hệ giao thương giữa hai nước là tiền đề để doanh nghiệp hành động, đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế. Bởi vậy, trong thời gian qua, Thương vụ đã tích cực, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp; các Cục, Vụ liên quan (Xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, Âu - Mỹ...) tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Theo các số liệu, Đức là đối tác hợp tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại số một của Đức trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2011-2023, từ mức 5,6 tỷ USD năm 2011 lên đến trên 11 tỷ USD năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Đức đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cục, vụ liên quan tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại và kết nối giao thương tại các hội chợ quốc tế lớn như: Fruit Logistica, Biofach, Hannover Messe, Anuga Food. Tổ chức hội thảo và phiên kết nối kinh tế tại Frankfurt, Hamburg, Düsseldorf, Berlin và các hoạt động khác nhằm tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, năng lượng, cao su, thương mại.
Năm 2023, Thương vụ tổ chức 7 hội thảo bàn tròn hợp tác kinh tế kết nối doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu và chuỗi siêu thị phân phối tại Đức, tổ chức các đoàn doanh nghiệp thăm và làm việc với hệ thống phân phối tại Đức.
Trên cơ sở xu hướng của thị trường cũng như đặc điểm hệ thống phân phối của Đức, bà Đặng Thị Thanh Phương đưa ra các định hướng hoạt động trong thời gian tới. Trước hết, cần tập trung hỗ trợ các địa phương của Việt Nam và thành phố/bang xây dựng cơ chế tạo thuận lợi hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, đặc biệt tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương của Đức để tăng tính nhận diện sản phẩm Việt Nam tại các địa phương chưa có đông đảo người Việt sinh sống.
Ngoài ra, cần tăng cường tham gia các hội chợ chuyên ngành của Đức, khuyến nghị các cơ quan liên quan về tính quan trọng của các hội chợ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham dự các hội chợ quốc tế chuyên ngành như: Hội chợ Fruit Logistica, Biofach, Anuga, ITB, Fish International, Ambiente, Hannover Messe... Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang triển khai.
Công tác thông tin thị trường: Thúc đẩy hợp tác, kết nối doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia, bà Đặng Thị Thanh Phương nêu bật những hoạt động công tác thông tin đã được Thương vụ triển khai. Tiêu biểu là công tác tổ chức các phiên tư vấn cung cấp thông tin thị trường Đức cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hội nghị giao ban hàng tháng và hỗ trợ thông tin qua email. Đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị phân phối hàng châu Á tại Đức như: Siêu thị Vĩnh Lợi, Asia 24, Kinh Đô Hamburg và các trung tâm thương mại Á châu khác. Đặc biệt là hoạt động quảng bá sự kiện Vietnam International Sourcing Expo 2023 và 2024, mời các tập đoàn Đức tham dự để tìm kiếm nhà cung cấp.
Về xu hướng thị trường tại Đức hiện nay, bà Đặng Thị Thanh Phương nhận định, cộng đồng người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam. Với xã hội nhiều người nhập cư và người Đức du lịch nước ngoài nhiều hơn, người tiêu dùng của Đức ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Hiện nay, nhiều kênh phân phối của Đức (như Tập đoàn REWE) cũng đã có mặt tại Việt Nam và đang nghiên cứu mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như tìm kiếm các sản phẩm để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình.
Bên cạnh đó, ngoài các kênh phân phối của Đức, các kênh phân phối hàng châu Á của người Việt tại Đức cũng rất phát triển để đáp ứng được nhu cầu của đông đảo cộng đồng người Việt (200.000 người) và người châu Á khác tại đây như Asia 24, siêu thị Vĩnh Lợi, trung tâm thương mại Á châu.
Nhằm định hướng cho hoạt động của Thương vụ đối với việc xúc tiến thương mại và đưa hàng vào hệ thống phân phối của Đức, bà Đặng Thị Thanh Phương khẳng định, công tác thông tin thị trường là rất quan trọng.
Thương vụ sẽ chú trọng phổ biến thông tin về thị trường Việt Nam – Đức, từ đó giúp phục vụ, hỗ trợ thương mại, giúp nghiên cứu và cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm hữu cơ và thực phẩm Halal tại Đức, nơi có đông đảo người Hồi giáo từ Thổ Nhĩ Kì, Iran (với các loại sản phẩm Halal tươi sống, sản phẩm muối đông lạnh (frozen salty product), chế biến và ngũ cốc).
Thời gian tới, Thương vụ sẽ xây dựng trang thông tin điện tử (website) của Thương vụ Việt Nam tại Đức nhằm cung cấp các thông tin thị trường hai chiều cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước, từ đó giúp doanh nghiệp hai bên dễ dàng tìm hiểu nhu cầu của bên bạn và xem xét khả năng đáp ứng nhu cầu đó, tạo tiền đề để quan hệ xúc tiến thương mại Việt Nam – Đức ngày càng bền chặt.