Phát triển hạ tầng số, nền tảng bứt phá chuyển đổi số trong CAND
Ngay từ những ngày đầu xuân, triển khai Nghị quyết, Chương trình công tác năm 2025 của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề ra tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an đã bắt tay ngay vào các mặt công tác, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là cơ quan đầu ngành tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.
Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của công an các cấp, cải cách hành chính, hành chính công, tạo nền tảng chuyển đổi số và từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử trong CAND.
Tiết kiệm khoảng 3.500 tỷ đồng hằng năm từ chuyển đổi số
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Theo đó, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
Theo đánh giá của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số lần thứ 3 và sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 377 về số hóa hồ sơ, tài liệu trong lực lượng CAND, được tổ chức ngày 10/10/2024 nêu rõ: Bộ Công an đã chủ động, hiệu quả trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật chung liên quan đến chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, trong nội bộ ngành Công an đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện pháp lý; nghiên cứu đề xuất xây dựng nhiều luật, thông tư, nghị định, đảm bảo đủ căn cứ về mặt pháp lý để thực hiện hiệu quả Luật Căn cước; xây dựng, tạo lập, kết nối, khai thác dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực, đời sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, Bộ Công an đã cấp 87,7 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân; hơn 78,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản. Thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện ích. Đây là nền tảng để thực hiện các tiện ích công dân số trong thời gian tới. Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 55,8 triệu hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ hơn 98% (tăng trên 13% so với năm 2023). Cổng dịch vụ công Bộ Công an xếp thứ 2/21 Bộ, ngành. Đối với các dịch vụ công thiết yếu, hằng năm tiết kiệm được khoảng 3.500 tỷ đồng...
Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số, Đề án 06/CP, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin chủ trì, cùng toàn lực lượng tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ, tạo lập, chuẩn hóa dữ liệu để hình thành dữ liệu lớn trong CAND (data lake) có chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của lực lượng CAND, đóng góp tích cực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Đảm bảo tính liên tục của các hệ thống công nghệ thông tin
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Đào Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm Giám sát mạng máy tính Bộ Công an chia sẻ, sự cố mạng máy tính có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thậm chí, đến từ một lỗi rất đơn giản do thao tác bất cẩn của người dùng. Còn nhớ, trường hợp mạng máy tính sử dụng mạng nội bộ của một đơn vị công an cấp huyện thuộc tỉnh Nam Định bị kết nối nhầm với đường truyền của máy tính sử dụng mạng Internet.
Sự cố trên cho phép các máy tính trong mạng nội bộ kết nối trực tiếp mạng Internet, đây là sự cố nghiêm trọng có khả năng gây lộ, mất dữ liệu của ngành. Lập tức, hệ thống giám sát của trung tâm đã kích hoạt chế độ cảnh báo. Cán bộ, chiến sĩ của Cục Công nghệ thông tin đã nhanh chóng tổ chức cách ly chiếc máy tính đó, để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống; bởi lúc này, nguy cơ lây nhiễm cho các máy tính đang sử dụng mạng máy tính BCANet là rất cao. Đồng thời, tổ chức xác minh xác định nguyên nhân, rà soát khả năng lộ, mất dữ liệu, phối hợp với công an địa phương để triển khai phương án khắc phục, bảo vệ các tài nguyên quan trọng của các đơn vị và đề ra giải pháp phòng ngừa sự cố tương tự, hướng dẫn toàn lực lượng. Được biết, nếu là trước đây, khi gặp trường hợp tương tự, công an các đơn vị, địa phương sẽ thông báo với Cục Công nghệ thông tin để được hướng dẫn xử lý từ xa.
Nhưng, khi hệ thống giám sát mạng máy tính ra đời và đi vào hoạt động, tất cả các máy tính, kể cả máy tính của công an cấp xã nếu xảy ra lỗi, sự cố hoặc bị tấn công đều được Cục Công nghệ thông tin nắm, trực tiếp thực hiện cách ly trong thời gian sớm nhất, qua đó giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại. Để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay khi mới xảy ra, đảm bảo tính liên tục, liên thông của hệ thống mạng dùng chung Bộ Công an, Trung tâm đã phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/7. Theo đó, ngoài các công việc thường ngày, lúc nào trung tâm cũng đảm bảo ít nhất 2 người có mặt trực tiếp tại phòng máy... Thông qua việc giám sát liên tục, các đơn vị có thể phân tích các mối đe dọa và hành vi tấn công mạng để cải thiện biện pháp phòng thủ và thực hiện cập nhật hệ thống bảo mật và chính sách bảo mật thường xuyên giúp bảo vệ tổ chức khỏi các mối đe dọa mới.
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác công an hiện nay như là “xương sống” của toàn lực lượng, Cán bộ, chiến sĩ Cục Công nghệ thông tin luôn cố gắng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao; thực hiện quản lý, vận hành, trực và khắc phục sự cố tại các trung tâm mạng, đảm bảo hệ thống mạng máy tính diện rộng ngành Công an hoạt động thông suốt, ổn định 24/7, phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy, chiến đấu của lực lượng CAND. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu Đề án 06/CP của Chính phủ phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Xây dựng dữ liệu dùng chung
Góp phần vào thành tích chung của Bộ Công an cũng như thực hiện chuyển đổi số trong CAND, Cục Công nghệ thông tin đã làm tốt vai trò nòng cốt, đi đầu tham mưu Bộ các giải pháp kỹ thuật triển khai hiệu quả các đề án, dự án, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Thời điểm kết thúc năm 2024, chuẩn bị bước sang năm mới Ất Tỵ đã đánh dấu mốc quan trọng của lực lượng Công nghệ thông tin trong CAND khi triển khai xây dựng thành công nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của Bộ Công an.
Hiện, dự án LGSP đã được nghiệm thu và đang đi vào thực hiện với những con số ấn tượng ban đầu. Dưới sự chủ trì, hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin, ngay khi dự án được nghiệm thu, 19 cơ sở dữ liệu dùng chung của lực lượng Công an đã được 8 cục nghiệp vụ của Bộ thu thập, tạo lập. Nhiều cơ sở dữ liệu tích hợp để chia sẻ trong năm 2025 tiếp tục được các đơn vị xác định, tạo lập.
Theo Thượng tá Lương Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu dùng chung, Cục Công nghệ thông tin cho biết, nền tảng LGSP do Cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ được triển khai trên mạng máy tính dùng riêng Bộ Công an đã cho phép kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP). Với phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 4, sử dụng phần mềm do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Thông qua nền tảng này, dữ liệu từ các đơn vị chia sẻ tới đơn vị khai thác được liên thông chính xác, bí mật, kịp thời phục vụ công tác công an.
Bằng những việc làm âm thầm, lặng lẽ, Cục Công nghệ thông tin đã góp phần vào thành công chung của toàn lực lượng CAND trong công tác, chiến đấu, phục vụ mạnh mẽ công tác xây dựng Chính phủ số, công dân số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.