Phát triển hạ tầng thương mại ở các làng văn hóa kiểu mẫu

Phát triển cơ sở hạ hầng thương mại không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh buôn bán của người dân mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương. Đây cũng là 1 trong 14 tiêu chí về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) mới được thông qua gần đây.

Cửa hàng kinh doanh các sản phẩm làng nghề rèn của gia đình chị Phùng Thị Hằng, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Thế Hùng

Cửa hàng kinh doanh các sản phẩm làng nghề rèn của gia đình chị Phùng Thị Hằng, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Thế Hùng

Phát huy lợi thế giáp tỉnh Tuyên Quang, có tuyến quốc lộ 2C và tỉnh lộ 305 chạy qua, xã Quang Sơn (Lập Thạch) luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thương mại - dịch vụ (TM - DV). Năm 2022, giá trị sản xuất ngành TM -DV của xã đạt 189, 2 tỷ đồng, chiếm 54,3% cơ cấu kinh tế của xã.

Cùng với sự phát triển chung của địa phương, thôn Quảng Cư, 1 trong 30 thôn, làng, TDP được lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình LVHKM, TM - DV cũng bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ với sự hình thành của nhiều cửa hàng, cửa hiệu.

Theo ông Bùi Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn: Hạ tầng thương mại của thôn Quảng Cư mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, buôn bán của bà con trong thôn, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thôn. Trong thôn, hiện chưa có siêu thị mini, chưa có điểm bán, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con, góp phần thúc đẩy kinh tế của thôn phát triển, hướng tới xây dựng LVHKM, hạ tầng thương mại của thôn cần được quan tâm đâu tư hơn nữa với những mô hình kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại.

Không chỉ riêng xã Quang Sơn, trong Đề án về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 -2030, UBND tỉnh đã nhận định, thông qua phong trào xây dựng “làng văn hóa” và “nông thôn mới”, diện mạo đô thị, nông thôn trong tỉnh những năm qua đã có sự thay đổi rõ rệt; hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa đạng về loại hình và cấp độ.

Tuy vậy, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn hiện vẫn thiếu các mô hình siêu thị mini, nơi tập kết trưng bày sản phẩm. Địa điểm quy hoạch, quy mô xây dựng chợ của một số địa phương còn chưa phù hợp, hiệu quả sử dụng sau đầu tư chưa cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nông thôn, thu mua nông sản còn chưa đồng bộ.

Với mục tiêu xây dựng các LVHKM trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh, UBND tỉnh xác định hạ tầng thương mại là 1 trong 14 tiêu chí cần thực hiện.

Theo đó, tại các LVHKM cần có các mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh đạt chuẩn quy định; có mô hình điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, có thể kếp hợp điểm dừng nghỉ, ăn uống giải khát phuc vụ khách du lịch (tùy điều kiện); không có chợ cóc, chợ tạm khu dân cư; không bán hàng ở vỉa hè, lòng đường; có bãi đỗ xe kết hợp giao thông và thương mại.

Đồng thời, cần xây dựng (bố trí) các địa điểm, hệ thống bảng quảng cáo dành riêng cho quảng cáo rao vặt.

Nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai bộ tiêu chí về xây dựng LVHKM nói chung và tiêu chí hạ tầng thương mại nói riêng, đầu tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 06 ban hành "Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 -2030".

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và của địa phương; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nơi thực hiện xây dựng LVHKM với mức hỗ trợ từ 50 đến 200 triệu đồng/mô hình đối với các mô hình xây mới.

Các mô hình được hình thành sau cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình hiện hữu sẽ được hỗ trợ bằng ½ mức hỗ trợ xây dựng mới tương ứng. Hỗ trợ không quá 2 mô hình/làng cho từng loại mô hình.

Cùng với việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hướng dẫn, tập huấn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hộ gia đình có các cửa hàng bán lẻ thực hiện đúng các yêu cầu, tiêu chí theo quy định đã ban hành. Từng bước thực hiện mô hình kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại.

UBND tỉnh đã giao Sở Công thương phụ trách triển khai chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh TM - DV, hướng dẫn triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá, mức độ đáp ứng các nội dung của tiêu chí về hạ tầng thương mại - du lịch.

Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, thành phố, UBND các xã phường thị trấn vận động nhân dân không bố trí chợ cóc, chợ tạm; không lấn chiềm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, mua bán hàng hóa.

Những hỗ trợ thiết thực cùng sự quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho các LVHKM, tạo sự đồng bộ trong kết cấu KT - XH, đáp ứng nhu cầu dân sinh, từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94710//phat-trien-ha-tang-thuong-mai-o-cac-lang-van-hoa-kieu-mau