Phát triển hạ tầng viễn thông để thúc đẩy thanh toán số

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đã triển khai nhiều hình thức TTKDTM, mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân; thúc đẩy thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tạo hiệu ứng mạnh mẽ việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mà tỉnh đang hướng đến.

Tổ tuyên truyền chuyển đổi số của huyện Giao Thủy hướng dẫn hộ kinh doanh lập tài khoản thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.

Tổ tuyên truyền chuyển đổi số của huyện Giao Thủy hướng dẫn hộ kinh doanh lập tài khoản thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.

Để phục vụ triển khai thanh toán trực tuyến KDTM, các sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp viễn thông đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; các ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu phát triển TTKDTM, chú trọng cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) công. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 trạm BTS được lắp đặt; 100% các thôn, xóm đã được phủ sóng thông tin di động băng rộng 3G, 4G; có 4.513 điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng tại các khu vực tập trung đông người... Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 115/2023/NQ-HĐND quy định mức thu, miễn thu một số phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó các ngành, địa phương nỗ lực nghiên cứu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống “một cửa” điện tử của các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện khuyến khích thanh toán điện tử các khoản phí, lệ phí.

Các địa phương đã có nhiều hình thức huy động sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ TTKDTM trong các giao dịch hành chính công và giao dịch thương mại; đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả. Tại trung tâm giao dịch hành chính của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều triển khai các hình thức TTKDTM khi giải quyết TTHC. Nhiều xã còn có sáng kiến mở tài khoản riêng cho bộ phận thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tách bạch với tài khoản của UBND xã và niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” tiện cho nhân dân chi trả cũng như kiểm soát nguồn thu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ theo quy định.

Năm 2023, giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực hành chính công của toàn tỉnh có 161.982 hồ sơ TTHC với số tiền giao dịch KDTM trên 3,1 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 138.291 hồ sơ TTHC; số tiền giao dịch KDTM đạt trên 4,3 tỷ đồng, cao gấp đôi cả năm 2023 và phát sinh ở tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, minh bạch trong thu phí, lệ phí, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại. Các đơn vị có lượt giao dịch TTKDTM cao là các Sở: Tư pháp, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường... Chị Nguyễn Thị Hằng, Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định) cho biết: “Nếu như trước đây, tôi phải đến trực tiếp Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trong giờ hành chính để nộp lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp thì giờ đây tôi có thể ở nhà để nộp hồ sơ và thanh toán lệ phí trực tuyến. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động để chuyển khoản vào thời gian nào trong ngày cũng được, rất thuận lợi cho người dân”.

Cùng với thanh toán trực tuyến trong lĩnh vực hành chính công, các địa phương thúc đẩy TTKDTM trong các giao dịch thương mại. Trong đó huyện Nghĩa Hưng là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình chợ 4.0 và tuyến đường 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số. Cùng với Nghĩa Hưng, các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực… đồng loạt ra quân thúc đẩy tuyên truyền hưởng ứng TTKDTM. Tại huyện Giao Thủy để đẩy nhanh lộ trình TTKDTM, UBND huyện đã huy động tất cả các tổ chức hội, đoàn thể chính trị, các chi nhánh ngân hàng trong hệ thống và các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt cùng ra quân hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến trong giao dịch thương mại và chi trả các dịch vụ như BHXH, y tế, giáo dục, điện, nước... Bằng cách làm này tỷ lệ người dân có thẻ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng thương mại ở khu vực nông thôn của huyện lên đến 85%. Bà Mai Thị Hòa, tiểu thương thị trấn Giao Thủy cho biết: “Người dân nông thôn chúng tôi trước nay chỉ giao dịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên sau chiến dịch tuyên truyền của UBND huyện với sự vào cuộc của tất cả các ngân hàng trong hệ thống, tôi đã yên tâm lựa chọn thêm các ngân hàng MB, Viettinbank làm mã QR thanh toán cho cửa hàng của mình để đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng”.

Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, việc TTKDTM nhanh chóng được ứng dụng trong cả khu vực giao dịch công và giao dịch thương mại. Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song thực tế việc TTKDTM vẫn còn nhiều khó khăn bởi hình thức này mới chỉ tập trung cho người dân khu vực đô thị. Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đặt ra đến năm 2025 theo kế hoạch phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và triển khai thêm các phương thức thanh toán mới tiện lợi, thu hút đông đảo người dân sử dụng.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202409/phat-trien-ha-tangvien-thong-de-thuc-day-thanh-toan-so-f2d6da6/