Phát triển Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế trọng điểm vùng ĐBSCL
Sáng 15/3/2024, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 và Xúc tiền đầu tư TP. Hà Tiên.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định, trong bối cảnh và tình hình mới, với vai trò và vị thế mới, đòi hỏi phải có một bản quy hoạch mới để định hướng cho sự phát triển của TP. Hà Tiên, trên cơ sở kế thừa những kết quả tích cực của 24 năm thực hiện Quy hoạch chung lần đầu, cụ thể hóa mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành “đô thị trọng điểm; là trung tâm kinh tế, phát triển mạnh về thương mại biên giới, dịch vụ, du lịch gắn với Khu kinh tế cửa khẩu; là trung tâm văn hóa, di sản, giá trị lịch sử; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, cùng với TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc trở thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển của tỉnh Kiên Giang” tại Quyết định 1289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Là đô thị ven biển phía Tây của tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên có diện tích gần 35.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Hà Tiên (gồm 5 phường là Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức, 2 xã là Thuận Yên và xã đảo Tiên Hải), dân số gần 230.000 người (đến 2040), định hướng phát triển là đô thị loại II trước năm 2030.
Theo Quyết định 189/QĐ-TTg ngày 22/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, xác định TP. Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái. Có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia - một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng ĐBSCL.
Không gian thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được chia thành 08 khu vực phát triển với tổng diện tích khoảng 21.432 ha, định hướng đến 2040, Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên phát triển theo mô hình lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm.
Đô thị phát triển đa hướng với các hướng phát triển chủ đạo dựa trên các tuyến quốc lộ 80, quốc lộ N1, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến đường thủy dọc theo sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế và kênh Hà Tiên - Rạch Giá, tuyến đường vành đai kết nối trực tiếp khu vực cửa khẩu Hà Tiên với vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL cùng các tuyến đường vượt biển phía Nam và phía Bắc Hà Tiên, gắn kết các quần đảo nhân tạo, khu vực sân bay chuyên dùng, các khu vực cảng biển với các khu vực đô thị hiện hữu và phụ cận.
Cấu trúc đô thị được hình thành trên các chiến lược chủ đạo gồm: chiến lược phát triển đô thị đối ngẫu (Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên tương tác cùng phát triển)…
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Đồ án Quy hoạch chung TP. Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến 2040 có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng của Kiên Giang và vùng ĐBSCL, là mảnh ghép cuối cùng, hoàn thành các quy hoạch chung đô thị trọng điểm của tỉnh (sau thành phố Rạch Giá được duyệt năm 2023, thành phố Phú Quốc được duyệt vào đầu năm 2024) về phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và là công cụ hữu hiệu để phát triển hiệu quả quỹ đất đô thị ven biển, phù hợp với định hướng phát triển, quy hoạch của Kiên Giang và vùng ĐBSCL đến năm 2050, cơ hội đột phá thu hút hiệu quả đầu tư tạo nguồn lực cho tỉnh và vùng ĐBSCL.
Do vậy, để triển khai hiệu quả Đồ án trên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP. Hà Tiên cần tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan triển khai nhanh, sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước về nhiệm vụ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Đồ án quy hoạch đến 2040 TP. Hà Tiên, sớm xây dựng và ban hành quy trình phát triển đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại II, bảo vệ giá trị về sự phát triển toàn diện, cân bằng và hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và bảo đảm quốc phòng - an ninh; tuân thủ đầy đủ các luật định về biển đảo, về cơ chế chính sách và phát triển theo quy hoạch của tỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển…
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP. Hà Tiên đã trao các Quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ cho 20 tổ chức, doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.