Phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới

Trong bối cảnh đất nước và quốc tế đang có những thay đổi diện mạo về mọi mặt, đặc biệt từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gia đình Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người.

Khảo sát về vai trò của giá trị văn hóa gia đình trong việc giáo dục nhân cách con người, TS Vũ Hoa Ngọc, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nghiên cứu điều tra với 100 bảng hỏi, lựa chọn một cách ngẫu nhiên trên địa bàn phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là địa phương nằm giáp ranh giữa khu vực trung tâm và ngoại thành Hà Nội, nơi có những thay đổi về kinh tế chính trị cũng như văn hóa trong thời gian qua.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, đánh giá về mức độ quan tâm, tình cảm của những thành viên trong gia đình đối với nhau, có 96,2% người trả lời cho biết, các thành viên trong gia đình luôn có sự thương yêu gần gũi với nhau. Khi ông/bà, cha/mẹ luôn dành tình yêu thương cho con cháu trong gia đình, chắc chắn sẽ nhận lại được những sự kính trọng cũng như tình cảm yêu mến từ con cháu. Mức độ tình cảm của con cháu trong gia đình đối với ông/bà, cha/mẹ qua khảo sát cho thấy, có 100% người trả lời lựa chọn phương án luôn kính trọng và vâng lời ông bà, cha mẹ.

Với mức độ tình cảm anh, chị, em trong gia đình dành cho nhau, có 90,4% lựa chọn luôn yêu thương và giúp đỡ nhau. Chia sẻ công việc trong gia đình, (65,4% người trả lời thường xuyên chia sẻ việc nhà và có 34,6% thỉnh thoảng chia sẻ việc nhà) là thể hiện trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm về chăm sóc người già và trẻ nhỏ. Với câu hỏi “Những việc làm trong 12 tháng vừa qua”, trong đó việc chăm sóc người già, có 80,8% người trả lời cho biết cả vợ và chồng cùng thực hiện, 13% do vợ thực hiện, 6,2% do chồng thực hiện; việc đưa đón con cái có 48,1% là hai vợ chồng cùng thực hiện, 11,5% do vợ thực hiện, 21,2% do chồng thực hiện.

TS Vũ Hoa Ngọc đúc kết, những kết quả trên cho thấy, nếu trong một gia đình mà người lớn tuổi luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, luôn quan tâm và chia sẻ với nhau sẽ có những tác động rất lớn đến việc hình thành đức tính tốt của con cháu, đó là: Biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ, chăm sóc người thân trong gia đình. Và như vậy, gia đình sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021 đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch 141/KH-SVHTT triển khai công tác quản lý Nhà nước về gia đình năm 2023.

Theo đó, trong năm 2023, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu số hộ đạt Gia đình văn hóa là 88%; hộ gia đình đạt tiêu chuẩn thể thao là 30%; Người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 42,5%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc đạt trên 82%. Tỷ lệ vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật đạt trên 95%; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu trên 60% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động như đăng ký, theo dõi và bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa tuân thủ chặt chẽ quy trình, đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đạt được mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bên cạnh đó, tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về gia đình; gặp mặt, giao lưu tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô Hà Nội năm 2023…

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-he-gia-tri-gia-dinh-trong-thoi-ky-moi-155411.html