Phát triển hệ thống cảng cạn nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa từng khu vực và các hành lang kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ. Phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của các vùng và địa phương.

Phát triển hệ thống cảng cạn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế; kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ưu tiên hình thành và phát triển: Các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt); các cảng cạn gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn. Bảo đảm tính kế thừa trong quá trình phát triển, phát huy tối đa công suất của các cảng cạn hiện hữu, kết hợp rà soát điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thực tế; phát triển các vị trí mới kết hợp với việc di dời một số cảng cạn để hình thành hệ thống cảng cạn đồng bộ, hiện đại, bền vững, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Huy động mọi nguồn lực, sử dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển cảng cạn theo quy hoạch.

Về mục tiêu tổng quát, Quy hoạch hướng tới từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận tải container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, bảo đảm an toàn hàng hóa; góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030: Phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm. Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu TEU/năm.

Định hướng đến năm 2050: Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30 - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Nội dung Quy hoạch được chi tiết tới phạm vi từng khu vực, tỉnh, thành phố với dự kiến năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang, tổng diện tích quy hoạch cảng cạn với một số hành lang vận tải chủ yếu các khu vực: Khu vực phía Bắc, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Khu vực phía Nam.

Tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển cảng cạn theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng từ 1.199ha đến 1.707ha, trong đó diện tích đất cần bổ sung thêm khoảng từ 784 đến 1.211ha. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).

T.HẢI

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-he-thong-cang-can-nham-toi-uu-hoa-van-tai-hang-hoa-tung-khu-vuc-va-cac-hanh-lang-kinh-te-post485643.html