Phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm của HTX
Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đều quan tâm mở rộng hệ thống gian hàng, điểm giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu quảng bá, đưa mặt hàng chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, qua đó kết nối phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh Bắc Giang.
Mở mới nhiều điểm giới thiệu, trưng bày
Cuối tháng 12/2024, Liên minh HTX tỉnh khai trương khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP (tên gọi khác là Siêu thị OCOP Bắc Giang), địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Siêu thị rộng khoảng 200 m2, khang trang, sạch sẽ; các kệ hàng bố trí dễ tìm, dễ lấy. Sản phẩm phong phú, đa dạng với hơn 500 mặt hàng từ nông sản tươi đến chế biến, dược liệu, sản phẩm làng nghề… của hơn 70 HTX trong tỉnh và một số HTX tỉnh khác.
Trong gần 1 tháng hoạt động, Siêu thị OCOP Bắc Giang tấp nập khách đến tham quan, mua sắm. Một số mặt hàng tiêu thụ thuận lợi như rau, củ, quả tươi; mỳ Chũ; chè bản Ven; sản phẩm từ sâm Nam núi Dành; kẹo vừng, kẹo lạc; thịt gà, thịt lợn đã qua chế biến… Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, siêu thị có nhiều giỏ quà, hộp quà đẹp mắt, tiện lợi với mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, một số hộp quà in hình những địa điểm nổi tiếng của tỉnh như chùa Vĩnh Nghiêm, đền Xương Giang, danh thắng Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà…
Anh Nguyễn Văn Khiêm, xã Quỳnh Sơn (TP Bắc Giang) hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh vừa đặt mua chè bản Ven để tặng bạn bè dịp Tết nói: “Tôi lựa chọn mua hàng tại Siêu thị OCOP Bắc Giang vì tin tưởng sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng... Hơn hết, tôi muốn ủng hộ nông sản của tỉnh nhà và giới thiệu đặc sản quê hương tới bạn bè, đối tác”.
HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam) có khu sản xuất và giới thiệu, trưng bày sản phẩm rộng khoảng 1.000 m2, nằm cạnh đường tỉnh 293, hướng đi đến điểm du lịch Tây Yên Tử (Sơn Động) nên thuận lợi cho khách hàng, nhất là khách du lịch mua sắm. Ngoài các sản phẩm của HTX (trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong, nấm linh chi), tại đây còn giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của hơn 20 HTX khác trong tỉnh. Hầu hết đều ở dạng khô, đóng gói cẩn thận phù hợp trong quá trình vận chuyển. Chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm 2025, HTX đã thiết kế một số mẫu mã, bao bì mới để đáp ứng nhu cầu thị trường và các phân khúc khách hàng.
Nhận thấy hiệu quả, một số đơn vị khác cũng thành lập, mở rộng điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Việt Yên tư vấn, hỗ trợ một số HTX do phụ nữ làm chủ trên địa bàn thành lập điểm trưng bày và tiêu thụ sản phẩm tại xã Tự Lạn. Ngày 5/1/2025, HTX sâm Nam núi Dành, xã Việt Lập (Tân Yên) khai trương Trung tâm bán và giới thiệu các sản phẩm từ sâm tại xã Việt Lập. Hiện HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (Tân Yên) đang khẩn trương hoàn thiện khu sản xuất và giới thiệu sản phẩm rộng khoảng 2.000 m2 tại trung tâm xã Cao Xá (cùng huyện) để đưa vào hoạt động trong những ngày tới.
Trước đó năm 2020, UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các đơn vị: Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang với tổng kinh phí hơn 430 triệu đồng; Sở Công Thương hỗ trợ 100 triệu đồng thành lập 2 điểm giới thiệu sản phẩm tại khu du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế) và khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Ngoài ra, hàng chục HTX trong tỉnh đã thuê địa điểm hoặc dành quỹ đất tại gia đình làm khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Nâng chất lượng, đẩy mạnh quảng bá
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, việc phát triển điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm là một trong những kênh quảng bá cần thiết, hiệu quả nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các mặt hàng đặc trưng, chất lượng của địa phương. Thông qua các điểm này, cơ sở kinh doanh, chủ thể OCOP từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang, thúc đẩy phát triển du lịch.
Điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm là một trong những kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả, góp phần mở rộng mạng lưới khách hàng, gia tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị hoạt động hiệu quả vẫn còn một số HTX loay hoay tìm hướng đi, vận hành cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Nguyên nhân do các điểm quy mô nhỏ, không gian trưng bày chật hẹp, không ở nơi trung tâm, sản phẩm thiếu tính đa dạng. Một số chủ thể thiếu vốn, không có quỹ đất để xây dựng.
Để phát huy thế mạnh của các điểm giới thiệu sản phẩm, các chủ cửa hàng cần nhạy bén, năng động, nắm bắt tín hiệu từ thị trường để sản xuất, kinh doanh phù hợp. Với hơn 5 năm vận hành điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, chị Nghiêm Thị Hường, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (TP Bắc Giang) chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn giữ chân khách hàng cần nhiều yếu tố, trước tiên, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, bố trí khoa học, đẹp mắt, niêm yết giá đầy đủ; người bán cần nắm rõ đặc điểm của từng sản phẩm để tư vấn phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi dành thời gian, nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ số; tăng cường liên kết với các HTX khác để sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập, đa dạng hóa mặt hàng”.
Ở HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, việc mở rộng khu vực chế biến và điểm giới thiệu sản phẩm nằm trong kế hoạch phát triển sản xuất lâu dài, hướng đến xuất khẩu. Trước đó, HTX chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm các đơn hàng lớn, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Đối với Siêu thị OCOP Bắc Giang, Liên minh HTX tỉnh đang xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để địa điểm này phát huy tính hiệu quả, đồng thời nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp. Cùng đó tiếp tục quan tâm tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các chủ thể.
Theo đại diện Sở Công Thương, hiện tỉnh chưa có thêm chủ trương hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, đặc trưng mà chủ yếu là do các sở, ngành, địa phương tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thành lập điểm. Nhằm phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả những giá trị mà điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm mang lại, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu; kết nối các điểm du lịch, đơn vị lữ hành; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm; năng lực làm chủ thị trường, vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đại diện các doanh nghiệp, HTX.
Bài, ảnh: Mạc Yến