Phát triển hệ thống trường liên cấp theo mô hình hiện đại
Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết, việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường học của thành phố đã được triển khai. Năm học 2022-2023 thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống trường chất lượng cao, liên cấp theo mô hình tiên tiến, hiện đại.
Bước vào năm học mới 2022-2023, tình trạng quá tải trường, lớp tại các quận trung tâm vẫn là một trong những thách thức với Hà Nội. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành, nhiều trường, địa bàn quá tải về số học sinh, khiến dư luận quan tâm. Theo ông Cương, Hà Nội chịu áp lực không nhỏ khi mỗi năm tăng khoảng 60.000 học sinh, kéo theo đó là yêu cầu xây mới, bổ sung trường lớp. "Chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm mà vẫn bảo đảm an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, cán bộ, giáo viên ở tầng cao, góp phần giải quyết chỗ học đối với những địa bàn có diện tích trường học nhỏ"- ông Trần Thế Cương đề xuất.
Cùng với đó, Hà Nội xác định một trong những nhiệm vụ trong năm học 2022-2023 là đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội; khuyến khích mô hình trường học liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Trong đó, sẽ bám sát, tập trung vào việc xây dựng bảy trường phổ thông liên cấp có diện tích từ 5ha trở lên ở một số quận, huyện (dự kiến gồm Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thạch Thất, Ðông Anh, Gia Lâm, Hà Ðông, Chương Mỹ)… theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội tổng rà soát, đánh giá đúng thực trạng tất cả mọi mặt từ cơ sở vật chất, mạng lưới trường học, chất lượng đội ngũ giáo viên cho đến dân cư. "Nếu không đánh giá được đúng số lượng dân cư thì sẽ vỡ trận khi làm quy hoạch và luôn luôn bị động. Bởi mỗi năm thành phố tăng dân số cơ học từ 2 đến 2,5%, tương đương với số dân của một huyện. Thậm chí có phường có đến ba trường tiểu học (trong khi Luật Giáo dục quy định mỗi phường chỉ cần một trường) nhưng vẫn không đủ", ông Phong nói. Ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội quyết định tập trung đầu tư một cách bài bản và tổng thể cho giáo dục. Riêng đối với giáo dục, tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu ở mức cao nhất các trường đạt chuẩn quốc gia; dành nguồn lực đầu tư một số trường có quy mô, chất lượng ngang hàng với các nước trong khu vực, đặc biệt là nhóm ASEAN-4 trong giai đoạn tới.
Năm học vừa qua, khối các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đã được xây mới, thành lập mới sáu trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang, thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc. Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học, với tổng mức đầu tư khoảng 1.965 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 4.842 tỷ đồng. Bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang, thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6; bố trí kinh phí mua sắm bổ sung dự kiến khoảng 706 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quận, huyện, thị xã và kinh phí hỗ trợ của thành phố.
Ðể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn 20.913,4 tỷ đồng.