Phát triển hệ thống vận tải công cộng Hà Nội: Chậm trễ vì nhiều rào cản
Với quy mô đô thị, dân số và phương tiện cá nhân gia tăng chóng mặt, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó hệ thống vận tải công cộng (VTCC) vẫn ì ạch nhích từng bước.
Liên tục lỗi hẹn
20 năm qua, dấu ấn rõ nét nhất của hệ thống VTCC Hà Nội là mạng lưới xe buýt được đầu tư, thay da đổi thịt, phần nào đáp ứng được nhu cầu cũng như kỳ vọng của người dân. Nhưng xe buýt hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều năm liền sản lượng hành khách của xe buýt sụt giảm, chỉ đến năm 2018 mới tăng nhẹ trở lại.
Trong khi đó, loại hình vận tải khối lượng lớn được xem như xương sống của hệ thống VTCC là đường sắt đô thị lại gây thất vọng lớn vì sự chậm trễ. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục lùi tiến độ, triển khai hàng chục năm vẫn chưa biết ngày nào đưa vào khai thác.
Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng buộc phải chuyển hướng, phân tách thành hai giai đoạn, khai thác trước đoạn trên cao vào năm 2021; toàn tuyến dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, nhiều dự án đường sắt đô thị vẫn im lìm chờ nguồn lực suốt 2 thập kỷ qua.
Xe buýt BRT, một loại hình VTCC khối lượng lớn khác đã mở được một tuyến Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa nhưng không thể hiện được hết ưu điểm của mình. Làn đường riêng gần như bị bỏ ngỏ cho đủ loại phương tiện chen lấn. Các tuyến Monorail (hệ thống vận tải trên một ray) theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại càng không có cơ hội triển khai.
Khoảng 20 năm trước, những người quản lý đô thị đã nhận thấy sự cần thiết phải có một hệ thống VTCC với đầy đủ loại hình, năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. VTCC được quan tâm và hoạch định chiến lược phát triển lâu dài với từng phân khúc cụ thể. Nhưng thực tế không như dự định. Chiến lược phát triển VTCC gặp quá nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm đầu tư, xây dựng cho đến vướng mắc về cơ chế chính sách, áp lực dư luận và đặc biệt là thiếu sự ủng hộ của người dân.
Hầu như mỗi người dân Thủ đô đều phải nếm trải nỗi khổ tắc đường; bầu không khí ô nhiễm đang ngày càng tác hại rõ nét hơn. Nhưng ít người muốn từ bỏ xe cá nhân, chuyển sang đi phương tiện VTCC. Nhìn từ góc độ người dân, thực sự hệ thống VTCC còn quá yếu kém, chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại nên phương tiện cá nhân vẫn là sự lựa chọn hàng đầu.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, không ít người dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình với TP cũng như tác hại của việc lệ thuộc vào xe cá nhân nên vẫn quay lưng với VTCC. Không chỉ thiếu sự ủng hộ, một bộ phận người dân còn thiếu cả ý thức khi tham gia giao thông, gây trở ngại cho phương tiện VTCC, là nguyên nhân trực tiếp khiến xe buýt, xe BRT “sa lầy” trong những khung giờ cao điểm.
Cần những người bạn đồng hành
Chuyên gia giao thông Nguyễn Tuyển nhận định: “Để xây dựng được một hệ thống VTCC hoàn thiện, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân, Hà Nội cần những người bạn đồng hành cận kề và san sẻ khó khăn”. Ông Tuyển phân tích, trước hết TP cần có sự ủng hộ tuyệt đối của người dân đối với chiến lược phát triển VTCC. Để có vốn đầu tư cho VTCC, đặc biệt những dự án khổng lồ như đường sắt đô thị, cần các DN tư nhân tham gia. TP cũng cần sự giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm và các khoản vay tài trợ của bạn bè quốc tế.
Thực vậy, Nhân dân Thủ đô là người bạn đồng hành quan trọng nhất của chính quyền TP trong hành trình dài phát triển VTCC. Người dân phải dần hình thành thói quen từ bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng thì VTCC mới có không gian, nguồn lực để hoạt động, mới chứng tỏ được tính ưu việt của mình mà góp phần mang lại môi trường sống văn minh, năng động cho chính họ.
TS Vũ Hồng Trường chia sẻ, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ví dụ như tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD; tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ Euro.
TP phải có biện pháp hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước để kêu gọi vốn cho đường sắt đô thị. Để làm được điều đó, không chỉ Hà Nội mà cả Chính phủ và các bộ, ngành cần chung tay tháo gỡ rào cản pháp lý, cấp bách tìm ra hướng đột phá, khơi thông nguồn vốn cho VTCC.
Với Hà Nội, những dự án VTCC khối lượng lớn còn khá lạ lẫm, mới mẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng nếu có những người bạn đồng hành là các nước phát triển, có bề dày kinh nghiệm hỗ trợ, TP sẽ vững bước hơn trước thử thách.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Thực tế chúng ta không thiếu sự hỗ trợ từ các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức… trong phát triển VTCC. Nhưng sự “ì ạch” từ chính chúng ta đang khiến những người bạn đồng hành cũng phải lo ngại”.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng dẫn chứng, như dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, được tài trợ vốn vay ODA, được hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực… Nhưng vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến dự án chậm trễ nhiều năm trời, gây biết bao hệ lụy về giao thông, kinh tế. Hay như dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đặc biệt là với ga ngầm C9 (ga Hồ Hoàn Kiếm), hàng chục năm vẫn chưa thống nhất được về vị trí quy hoạch.
“Nhiều chuyên gia nước ngoài đã phải thừa nhận, họ chưa từng gặp nhiều khó khăn như vậy trong triển khai các dự án VTCC. Hiếm có đô thị nào mà hầu như mọi dự án đều có nguy cơ chậm trễ, kéo dài như Hà Nội. Chúng ta đang tự gây khó khăn cho mình, lãng phí sự hỗ trợ quý giá của bạn bè quốc tế” - ông Thắng chia sẻ.
Có thể thấy, Hà Nội đang nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống VTCC. Tuy nhiên, chừng nào chúng ta vẫn chưa thể thoát ra khỏi sự ngờ vực, rụt rè, các dự án VTCC sẽ còn nằm trên giấy và người dân Thủ đô sẽ vẫn phải chung sống với vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển các hình thức giao thông phi cơ giới thân thiện với môi trường, quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị đang có ùn tắc giao thông, quản lý chặt chẽ về quy hoạch đô thị và hoạt động xây dựng...
UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc T.Ư tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với mô tô, xe máy...