Phát triển hợp tác xã: Cần cơ chế đặc thù

Thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách về phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những cơ chế đặc thù cho hợp tác xã phát triển toàn diện, bền vững.

Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì).

Ảnh: Sơn Tùng

Tìm hướng đi ổn định, phù hợp

Hiện cả nước có khoảng 30.000 hợp tác xã, 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. Các loại hình kinh tế tập thể đã và đang sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa rất lớn, không chỉ tạo ra giá trị về kinh tế, mà còn bảo đảm đời sống, là chỗ dựa, đòn bẩy phát triển kinh tế hộ gia đình cho hàng triệu nông dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thanh Toàn, trước tình hình một số diện tích ao đầm, ruộng đồng của địa phương bỏ không, năm 2018, chính quyền xã Đại Áng đã làm đầu mối trung gian, vận động các hộ dân ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10ha đất. Sau đó, diện tích này được giao lại cho Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Sau hơn 5 năm, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đi vào hoạt động ổn định và trung bình mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại. Hợp tác xã đã đầu tư khu sơ chế, bảo quản gồm hai dây chuyền, có thể giải quyết được 10 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Cao Đình Thanh Hải cho rằng, có được kết quả như hôm nay là nhờ việc đồng hành, tạo điều kiện về chính sách đất đai của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cũng chỉ có số ít hợp tác xã quy mô lớn, tạo dựng được thương hiệu tốt tìm được hướng đi ổn định cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu, hoặc tổ chức tốt nhiều loại hình dịch vụ công ích phục vụ thành viên. Còn lại hầu hết các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn lúng túng trong việc tìm hướng phát triển, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật trong điều hành, sản xuất...

Để tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã phát triển, điều quan trọng là bản thân các hợp tác xã phải chủ động, tích cực tham gia công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số, giúp tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… Ông Trần Tuấn Nghĩa (Hợp tác xã Hoa quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết, từ năm 2020, đơn vị đã được địa phương hỗ trợ áp dụng công nghệ tự động trong quy trình trồng dâu tây, giúp cây phát triển tốt, năng suất cao hơn. Đặc biệt, qua chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh phân phối hiện đại của cơ quan chức năng, sản phẩm nông nghiệp có giá trị của đồng bào nơi đây, như: Dâu tây, mận, chè… được nhiều người biết đến.

Tạo lập môi trường phát triển bền vững

Tại hội thảo công bố nghiên cứu “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong dự thảo Luật Hợp tác xã” do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh cho rằng, hợp tác xã là tổ chức kinh tế và cũng là chỗ dựa của người nghèo, nông dân. Vì vậy, các quy định, chính sách trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần hướng đến người dân, nông dân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm VESS, để thúc đẩy hợp tác xã phát triển, cần có hệ thống ngân hàng cho riêng hợp tác xã. Hệ thống ngân hàng có thể cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã vay những khoản nhỏ, để có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Một đặc thù cần lưu ý nữa là vấn đề kiểm toán trong nội bộ các hợp tác xã hiện nay đang dần giúp các hợp tác xã minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kiểm toán hợp tác xã khác với kiểm toán trong doanh nghiệp, do đó phải có kiểm toán viên riêng cho hợp tác xã. Đặc biệt, đối với Hà Nội, cần tận dụng lợi thế là Thủ đô, có thị trường tiêu thụ tốt, nơi tập hợp được nhiều nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển… Do đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp để cơ cấu, củng cố, xây dựng hợp tác xã cho phù hợp với vùng sinh thái nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho nông nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. Thành phố cũng tiếp tục có chính sách giải quyết khó khăn về đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất cho các tổ chức kinh tế tập thể; đồng thời, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ để tạo lập môi trường cho hợp tác xã phát triển bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-hop-tac-xa-can-co-che-dac-thu-444840.html