Phát triển HTX ở huyện Thạch Thành
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện Thạch Thành tổ chức kiện toàn, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động có hiệu quả các dịch vụ cơ bản, dịch vụ mở rộng; phương án sản xuất, kinh doanh hàng năm. Nhiều HTX kinh doanh dịch vụ đã có những đóng góp, khẳng định vai trò 'bà đỡ' trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nông dân xã Thành Hưng chăm sóc cây ăn quả.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, trên địa bàn hiện có 47 HTX (trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp 37, HTX thương mại - dịch vụ 2, HTX tiểu thủ công nghiệp 1, HTX giao thông - vận tải 3, HTX tổng hợp 4), tổng số thành viên trong các HTX là 11.512 người. Tổng số cán bộ quản lý trong các HTX là 181 người; trong đó, 52 người có trình độ đại học, cao đẳng; 60 người có trình độ trung cấp, sơ cấp; 28 người được cấp chứng chỉ đào tạo; 41 người chưa qua đào tạo. Doanh thu bình quân hàng năm của 1 HTX đạt 2,052 tỷ đồng, lợi nhuận 103,7 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong các HTX, thành viên của các HTX đạt 23,63 triệu đồng/năm.
Trong quá trình phát triển, một số HTX đã đăng ký mở rộng ngành nghề kinh doanh, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận tải, xây dựng nhiều công trình phúc lợi, chế biến nông, lâm sản, đầu tư chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ, như: các HTX Thạch Sơn, Thạch Quảng, Thành Tân, Thành Vân, Thành Long, vận tải Thạch Thành... Gắn sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm mật mía, liên kết sản xuất giống cây trồng, như: các HTX Thạch Sơn, Thành Tiến; đầu tư máy móc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại các HTX Thành Tân, Thành Vinh, Thành Long..., từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực cung cấp các dịnh vụ. Nhiều HTX đã thực hiện khá tốt việc tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho thành viên và nông dân. Phần lớn HTX dịch vụ nông nghiệp đã và đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thành viên, huy động vốn, đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh, mua sắm trang thiết bị máy móc mở rộng dịch vụ cơ giới hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất của thành viên và Nhân dân. Như, mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy nâng và bốc mía, máy trồng mía, tưới mía; cải tạo nâng cấp lưới điện, trạm bơm, duy tu bảo dưỡng, làm mới kênh mương nội đồng, nhằm từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phát triển, mở rộng các khâu dịch vụ sản xuất rau an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường; cung ứng vật tư nông nghiệp... Thông qua các khâu dịch vụ, các HTX ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên; phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đi đôi với đó, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tập trung vận tải mía nguyên liệu, vật liệu xây dựng, lúa, ngô... Nội dung dịch vụ gắn với việc thực hiện vận tải mía nguyên liệu trong hợp đồng của HTX nhập về nhà máy. Ngoài ra, HTX kinh doanh dịch vụ vận tải Thạch Thành hoạt động ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển mía nguyên liệu hàng năm. Ngoài ra, có 2 HTX thương mại - dịch vụ, hoạt động tương đối ổn định, tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh và có bước phát triển khá. Trên địa bàn huyện hiện có 3 HTX kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép hoạt động; trong đó, có 1 HTX chuyên vận tải mía nguyên liệu. Hoạt động của các HTX vận tải tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Trong quá trình phát triển, huyện Thạch Thành đã hỗ trợ các HTX thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ tại các xã, thị trấn. Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp, huyện hỗ trợ về sản xuất lúa có năng suất cao; du nhập, tuyển chọn các giống tốt ở một số loại cây trồng; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, lai tạo giống chất lượng cao trong chăn nuôi; nhất là hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, du nhập nuôi thử nghiệm một số loại con nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành có liên quan của tỉnh, hỗ trợ và tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, kinh phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại tại các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa của tỉnh tổ chức; gắn quảng bá hình ảnh, nhãn hiệu hàng hóa với công tác xúc tiến thương mại để các HTX tham gia tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của những HTX hiện có trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, giá trị của HTX và các quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng các khâu dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu sản xuất, đời sống của các thành viên và Nhân dân trên địa bàn. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn. Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Đồng thời, từng bước mở rộng, phát triển việc liên kết giữa tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và Nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ cho thành viên, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-htx-o-huyen-thach-thanh/133385.htm