Phát triển khán giả trẻ cho sân khấu

Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội: 'Sân khấu và khán giả là một cặp song hành không thể thiếu nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sân khấu tìm đến khán giả, khán giả tìm đến sân khấu. Đôi khi khán giả cũng là những diễn viên bất đắc dĩ và tham gia vào câu chuyện trên sân khấu như một sự ngẫu hứng mà những người nghệ sĩ đem đến. Và, ngược lại'.

Có lẽ, vì thế mà sân khấu vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Vấn đề là làm thế nào để xây dựng và “đào tạo” khán giả trẻ cho sân khấu - một chìa khóa để bù đắp cho sự “khủng hoảng” khán giả của sân khấu hiện nay.

Nỗ lực xây dựng sân khấu học đường

Những ngày qua, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp và đạo diễn người Nhật Sugiyama lại cháy vé trong 3 đêm diễn liên tiếp ở Hà Nội. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là kịch bản đặc biệt nhất, nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ, đem đến những phản biện xã hội mạnh mẽ. Các nghệ sĩ đã cùng nhau tạo nên một "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" hiện đại, nơi ngôn ngữ sân khấu kinh điển của Tây phương hòa trộn cùng tinh thần Á Đông đặc sắc.

Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của đạo diễn người Nhật.

Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của đạo diễn người Nhật.

Phiên bản mới giữ trọn vẹn câu chuyện cổ tích về linh hồn và thể xác bị lạc mất nhau do sự cẩu thả của các vị thần nhưng tích truyện được đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại phát triển và thay đổi chóng mặt - đến nỗi con người lãng quên nhau và lãng quên chính bản thể của mình. Lưu Quang Vũ viết một vở kịch vừa bi, vừa hài, bắt đầu bằng cái chết và đó là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng suy tư về sự sống. Một vở kịch kinh điển của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được thổi hồn đương đại bằng những sáng tạo mới đã thực sự hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Điều này cũng minh chứng cho sự hấp dẫn riêng của sân khấu đối với khán giả mà không một loại hình nghệ thuật nào có thể thay thế được.

Nhưng, thực tế, sân khấu hiện nay vẫn vắng bóng khán giả, nếu không nói là “khủng hoảng” khán giả. Những vở kịch cháy vé như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” chỉ đếm đầu ngón tay. Bài toán lâu dài của sân khấu vẫn là việc xây dựng và “đào tạo” khán giả trẻ. Làm thế nào để “đào tạo” khán giả trẻ trong bối cảnh xâm lấn của các phương tiện nghe nhìn và mạng xã hội, kỹ thuật số, rạp chiếu phim hiện đại cùng các bộ phim “bom tấn". Hiện nay các nhà hát đều có lộ trình xây dựng khán giả trẻ, đó là lớp khán giả tương lai của sân khấu.

“Bên cạnh việc xây dựng mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” dành riêng cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, thông qua hoạt động này giúp các em được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, đồng thời giúp học sinh vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống, Nhà hát Tuổi trẻ còn đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình talkshow thú vị trao đổi với các chuyên gia khách mời (giáo sư, tiến sĩ, nhà chuyên môn, KOLs, KOC...) về phương pháp phân tích nhân vật, nội dung vở diễn liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên học đường của nhà trường. Sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của các em trong vai trò vừa là khán giả, vừa là đối tượng tương tác với nghệ sĩ diễn xuất cùng các yếu tố hỗ trợ khác của sân khấu sẽ hình thành một không khí "Sân khấu học đường - Sân khấu hóa các tác phẩm văn học" tiêu biểu, một món ăn tinh thần mới cho các em nhằm thu hút thêm các khán giả trẻ khác đến với nhà hát” - NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.

Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh: “Sân khấu cho thiếu nhi chính là sự bắt đầu cho lớp khán giả tương lai, đây là một hướng đi đúng đắn mà Nhà hát Tuổi trẻ đã chọn trong suốt 46 năm qua, chúng tôi sẽ luôn phấn đấu là nhà hát quốc gia phục vụ thanh, thiếu nhi được đông đảo khán giả yêu mến, xứng tầm khu vực và thế giới”.

NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: Hiện nhà hát đang cùng chung tay xây dựng Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường).

Tùy theo từng lứa tuổi, Nhà hát Kịch sẽ xây dựng chương trình sân khấu phù hợp, không đặt nặng tính hàn lâm mà chú trọng đẩy mạnh giao lưu để học sinh, sinh viên tiếp cận, được trực tiếp trải nghiệm, thực hành, giao lưu cùng diễn giả, nghệ sĩ...

"Phát triển Đề án sân khấu học đường với chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị nhân văn, xây dựng thế hệ học sinh yêu sân khấu, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Đề án cũng giúp phát huy ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn. Chúng ta cần tập trung và nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển sân khấu truyền thống với hệ thống các tác phẩm mang đậm bản chất và văn hóa dân tộc.

Và, những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích và đam mê nghệ thuật. Đó cũng chính là nguồn nhân tố bí ẩn đầy tiềm năng có thể trở thành những nghệ sĩ tài hoa mà đất nước ta mong chờ. Sân khấu biểu diễn nói chung và loại hình kịch nói nói riêng từ đó cũng sẽ trở nên đa dạng, các tác phẩm mang tính truyền thống và hiện đại sẽ phục vụ được nhiều tầng lớp người dân với nhiều độ tuổi khác nhau. Đó là đích đến tốt đẹp mà chúng ta cần phải hướng tới”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.

Tiếp cận khán giả trẻ là nhiệm vụ sống còn của sân khấu

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, khán giả là một trong những thành tố nội sinh cơ bản của nghệ thuật sân khấu nhưng lâu nay ít được quan tâm so với tác giả, đạo diễn, diễn viên... Muốn chấn hưng lại nghệ thuật sân khấu, trước hết nên đầu tư chiến lược cho khán giả trẻ bằng giáo dục thẩm mỹ sân khấu ngay từ trong học đường. Ông cho rằng, sân khấu Việt Nam hiện nay chưa thoát khỏi tình trạng “khủng hoảng khán giả trẻ” khi thị hiếu thẩm mỹ của nghệ sĩ chưa tìm được quỹ đạo chung với người trẻ. Theo ông, để "xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu" thì sân khấu học đường thật sự đóng vai trò nâng cao giá trị con người qua việc tham gia tích cực các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, trong đó mô hình sân khấu học đường và tác phẩm dành cho đúng độ tuổi rất quan trọng.

Một vở diễn trong Đề án sân khấu học đường của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Một vở diễn trong Đề án sân khấu học đường của Nhà hát Kịch Hà Nội.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, với cách làm mới trong đề án tiếp cận khán giả trẻ, các chương trình "Sân khấu học đường" cần được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí của từng vùng miền, đồng thời các đơn vị nghệ thuật sẽ dàn dựng tác phẩm đúng chuẩn dành cho khán giả trẻ, hướng đi này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả trẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh đánh giá, trong xã hội phát triển, khán giả trẻ ngày nay am hiểu về công nghệ, có trình độ kiến thức nên họ có nhiều lựa chọn về hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật. Do đó, đổi mới tư duy xây dựng khán giả không thể áp đặt mà phải hướng đến sự hấp dẫn để kéo khán giả trẻ đến sân khấu. Đây là nhiệm vụ sống còn của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay.

“Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật của từng loại hình sân khấu vùng miền mới là cốt lõi. Làm được điều này, rất cần sự đối thoại và phản biện trong mỗi đề án đưa sân khấu vùng miền đến với khán giả trẻ”, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phat-trien-khan-gia-tre-cho-san-khau-i737675/