Phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN

Ngày 5/4, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp, hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện 'Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại Hà Nội'.

Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại Hội thảo.

Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại Hội thảo.

Địa diểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Sa Pa là thị xã trẻ của tỉnh Lào Cai được nâng cấp thành thị xã từ ngày 1/1/2020 gồm 10 xã, 6 phường với 111 thôn, tổ dân phố. Sa Pa có diện tích tự nhiên 68,473ha, dân số trên 72.000 người, gồm 6 dân tộc chính (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh).

Sa Pa được biết đến là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với khí hậu trong lành, mát mẻ mang săc thái Châu Âu hội tụ 4 mùa trong 1 ngày - là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa Hè và là nơi khám phá, trải nghiệm tuyết độc đáo vào mùa Đông.

Sa Pa được công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2017 và chính thức chuyển từ chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị vào năm 2020. Đây là lợi thế lớn cho sự phát triển của Sa Pa nói chung và du lịch Sa Pa nói riêng.

Thương hiệu du lịch Sa Pa đã được định vị trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Nhiều địa danh du lịch của Sa Pa đã được đánh giá, bình chọn với những danh hiệu ấn tượng: 1/10 tuyến đường đi mòn tuyệt vời nhất thế giới; 1/7 ruộng bậc thang đẹp - kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới; 1/10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á và 1/5 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam; 1/9 điểm đến lý tưởng được chờ đợi khám phá; 1/100 thị trấn đẹp nhất thế giới; 1/10 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2020; 1/14 điểm đến cần phải khám phá khi tới châu Á…

Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam.

Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam.

Với những lợi thế đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Sa Pa là 1 trong 45 khu vực tiềm năng để phát triển thành khu du lịch quốc gia và là 1 trong 12 đô thị du lịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm qua, du lịch Sa Pa còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức như: Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao đặc biệt sau đại dịch Covid-19; du lịch cộng đồng chưa rõ nét, tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám và ăn xin vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Xác định mục tiêu trở thành "Đô thị du lịch sạch ASEAN" vào năm 2025, thị xã đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Sa Pa tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe kết nối du lịch như: 3 điểm đón tiếp và cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trên 3 trục đường chính kết nối với Sa Pa; 7 hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN; 15 Nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN tai các xã phường trọng điểm du lịch. Đầu tư và kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn thị xã…

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực Khu du lịch quốc gia Sa Pa theo tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường xúc tiến và quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa; giải quyết cơ bản tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch; bảo tồn, khai thác những giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn văn hóa phi vật thể…

Cần chú trọng quy hoạch, nâng cấp hạ tầng

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa trong thời gian tới. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Sa Pa có nhiều điểm đặc sắc, đặc biệt là văn hóa tộc người, khí hậu, điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Việc định hướng Sa Pa trở thành "Đô thị du lịch sạch ASEAN" phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. Vì vậy, cần sớm đưa Sa Pa trở thành một thương hiệu du lịch không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Còn theo ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, việc phát triển du lịch bền vững là vấn đề cần phải quan tâm. Để phát triển du lịch bền vững, con đường thực hiện chính là du lịch có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với môi trường, với xã hội và kinh tế.

“Chúng ta phải tạo được môi trường văn minh, thân thiện; đem lại lợi ích kinh tế cho người dân sở tại. Chúng ta cũng phải đưa vấn đề “định vị” cho du lịch Sa Pa. Ngoài ra, cần phải có những đánh giá, khảo sát về nhu cầu của khách du lịch để từ đó xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách một cách bền vững", ông Trí nhận định.

Việc phát triển Sa Pa trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp, hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN rất cần phải chú trọng vào công tác kiến trúc, quy hoạch.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – chuyên gia về di sản cho rằng, cần xây dựng Sa Pa trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng thực thụ. Thương hiệu du lịch chính là một trong những tài nguyên có sẵn, Sa Pa phải tận dụng tốt để phát triển. Bên cạnh đó, tập trung cải tạo quỹ kiến trúc đô thị; xây dựng hình ảnh đô thị; cân bằng kiến trúc đô thị, đường phố.

“Sa Pa phải giữ cân bằng được cấu trúc 3 yếu tố là trung tâm hành chính – tuyến phố giàu bản sắc – quần thể kiến trúc mới xây dựng thời gian gần đây. Địa phương cũng cần chú ý cải thiện nâng cấp hạ tầng, đường xá, tạo ra những công trình kiến trúc đặc sắc mang dấu ấn riêng của Sa Pa. Cho đến nay, Sa Pa vẫn còn giữ được bản sắc trong tính tự nhiên, dân tộc, dân dã. Muốn du lịch hấp dẫn hơn phải chú trọng vào quy hoạch xây dựng, thu hút yếu tố nghỉ dưỡng”, GS.TS.KTS Kính nói.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo cũng đã ghi nhận thêm các ý kiến liên quan đến xử lý rác thải, quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư, lộ trình nâng cấp hạ tầng, nguồn nhân lực thực hiện… Các ý kiến sẽ là những tư liệu, luận cứ khoa học giúp thị xã Sa Pa nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp thành các nhóm giải pháp quan trọng; định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa thêm đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện, chuyên nghiệp - hướng tới Đô thị du lịch sạch ASEAN trong thời gian tới.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-khu-du-lich-quoc-gia-sa-pa-tro-thanh-do-thi-du-lich-sach-asean-373018.html